Đời Sống

Võ Hà Linh dính lùm xùm phá giá, hàng loạt đại lý lên tiếng

MCS- Sau loạt phản ánh từ người tiêu dùng và văn bản của Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam (Vicopro), Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đã chính thức đề nghị Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM kiểm tra các dấu hiệu bất thường trong hoạt động bán hàng của TikToker Võ Hà Linh.

Theo phản ánh từ người tiêu dùng, trong phiên livestream ngày 15/3/2025, Võ Hà Linh đã bán mặt nạ ngủ với giá chỉ 367.500 đồng sau khi áp dụng mã giảm, trong khi giá niêm yết trên thị trường là 1.880.000 đồng. Mức chênh lệch này khiến không ít người tiêu dùng hoang mang, thậm chí nghi ngờ về chất lượng và nguồn gốc sản phẩm.

Không dừng lại ở đó, một số bài đăng trên trang cá nhân của nữ TikToker còn từng kêu gọi người dân “gom hàng” với lý do sàn thương mại điện tử chuẩn bị tăng phí từ tháng 4. Tuy bài viết đã bị xóa, nhưng dấu hỏi về mục đích kêu gọi vẫn chưa được lý giải rõ ràng.

Bị phản ánh bán hàng phá giá, gây méo mó thị trường.
Bị phản ánh bán hàng phá giá, gây méo mó thị trường.

Trước diễn biến này, Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam (Vicopro) đã gửi văn bản đến các cơ quan chức năng, đề nghị xem xét hàng loạt phiên livestream bán hàng của các KOL/KOC, trong đó có trường hợp của Võ Hà Linh. Hội cho rằng việc liên tục bán sản phẩm với giá thấp hơn từ 50–80% thị trường có thể gây méo mó môi trường kinh doanh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nhà bán lẻ truyền thống và niềm tin của người tiêu dùng.

Quản lý thị trường vào cuộc, yêu cầu làm rõ thông tin

Ngày 17/5, trao đổi với báo chí, ông Trần Hữu Linh – Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước xác nhận cơ quan này đã yêu cầu Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM kiểm tra và xử lý các phản ánh liên quan đến TikToker Võ Hà Linh. Văn bản được ban hành trên cơ sở chỉ đạo từ lãnh đạo Bộ Công Thương.

Theo đại diện Cục Quản lý thị trường, trọng tâm của việc kiểm tra không chỉ nằm ở giá bán, mà còn bao gồm thông tin về nguồn gốc sản phẩm, hình thức phân phối, các chứng từ hợp pháp đi kèm và cơ chế giảm giá.

Đáng lưu ý, theo thông tin từ Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, hiện chưa đủ căn cứ pháp lý để khẳng định hành vi bán phá giá theo Luật Cạnh tranh. Tuy nhiên, nếu xét theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cá nhân có tầm ảnh hưởng như bà Võ Hà Linh vẫn phải có trách nhiệm công bố thông tin đầy đủ về hàng hóa, bao gồm xuất xứ, chất lượng và giá cả.

Nguy cơ "méo mó" thị trường từ livestream siêu rẻ.
Nguy cơ “méo mó” thị trường từ livestream siêu rẻ.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) nhận định, việc bán hàng với giá thấp hơn từ 50–70% thị trường là dấu hiệu rõ ràng cần được kiểm tra. Nếu chuỗi hoạt động giảm giá không có căn cứ minh bạch, có thể coi là hành vi phá giá, gây rối loạn thị trường tiêu dùng.

“Phá giá không chỉ gây tổn thất cho các nhà bán lẻ chân chính, mà còn tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, làm sụp đổ niềm tin của người tiêu dùng vào giá trị thật của sản phẩm”, ông Hòe nhấn mạnh. Ngoài ra, việc tung ra các “deal độc quyền” nhưng không làm rõ quy mô, số lượng, nguồn hàng… có thể tạo ra hiệu ứng tâm lý tích trữ không lành mạnh, đặc biệt trong bối cảnh thương mại điện tử đang phát triển quá nhanh so với khung pháp lý hiện hành.

Từ hiện tượng livestream đến thách thức quản lý thời số hóa

Không thể phủ nhận, Võ Hà Linh là một trong những KOL dẫn đầu về doanh số bán hàng livestream tại Việt Nam. Với hàng triệu lượt xem mỗi phiên phát sóng, sức ảnh hưởng của cô là “vũ khí bán hàng” cực mạnh, đặc biệt với giới trẻ ưa chuộng mua sắm online. Tuy nhiên, chính sức ảnh hưởng này cũng đang đặt ra một bài toán lớn: làm thế nào để kiểm soát hoạt động bán hàng trên mạng xã hội khi nó có thể “làm mưa làm gió” ngoài mọi chuẩn mực thương mại thông thường?

Liệu những cú sốc giá là biểu hiện của cạnh tranh sáng tạo, hay là cách “lách luật” tinh vi gây tổn thương cho hệ sinh thái bán lẻ truyền thống?
Liệu những cú sốc giá là biểu hiện của cạnh tranh sáng tạo, hay là cách “lách luật” tinh vi gây tổn thương cho hệ sinh thái bán lẻ truyền thống?

Trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển mạnh, việc một KOL như Võ Hà Linh có thể khiến cả thị trường chao đảo chỉ sau vài cú livestream, không còn là chuyện nhỏ. Phản ứng từ phía cơ quan chức năng lúc này là cần thiết không chỉ để làm rõ một vụ việc, mà còn để xác lập lại ranh giới giữa “giảm giá hợp lý” và “phá giá có chủ đích”.

Bởi nếu mọi nhà bán lẻ đều bước vào cuộc đua giá “càng thấp càng tốt”, không luật chơi, không kiểm soát, người thiệt thòi sau cùng không chỉ là các nhà phân phối, mà còn là chính người tiêu dùng, những người đang tưởng mình là người thắng cuộc trong trò chơi “deal sốc” không giới hạn.