Cuối tháng 5/2025, lực lượng Cảnh sát kinh tế Công an TP Hà Nội phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 8 đã tiến hành kiểm tra đột xuất một cơ sở kinh doanh thuộc Công ty TNHH Dược mỹ phẩm Ngân Korea. Tại đây, hơn 5.400 sản phẩm mỹ phẩm bị phát hiện không có hóa đơn, không chứng từ, tổng giá trị niêm yết lên đến hơn 2,1 tỷ đồng.
Công ty thừa nhận toàn bộ lô hàng được thu mua trôi nổi ngoài thị trường. Đây không phải lần đầu mỹ phẩm “xách tay” bị vạch trần, nhưng dư luận vẫn không khỏi xôn xao bởi tên tuổi CEO Ngân Korea – người sở hữu hai tài khoản Facebook tích xanh với hàng trăm ngàn lượt theo dõi vẫn đều đặn livestream bán hàng sau vụ việc.

Sau khi sự việc bị phanh phui, không ít cư dân mạng vẫn bày tỏ sự tin tưởng vào loại mỹ phẩm này. Nhiều người viện dẫn lý do “giá rẻ là vì không đóng thuế” để biện minh cho sự chênh lệch, đồng thời khẳng định rằng “không giấy tờ không đồng nghĩa với hàng giả”.
Sự dễ dãi ấy đang trở thành cái cớ hoàn hảo cho những lô hàng không rõ nguồn gốc tiếp tục len lỏi trên thị trường. Tài khoản mạng xã hội, shop online, thậm chí sàn thương mại điện tử vẫn dày đặc những lời rao bán mỹ phẩm “xách tay chuẩn auth”, bất chấp không một giấy tờ nào chứng minh nguồn gốc.

Chỉ cần tìm kiếm từ khóa như “serum Hàn”, “kem dưỡng Nhật”, người tiêu dùng lập tức bị bủa vây bởi hàng loạt shop chào mời với giá rẻ đến bất ngờ. Cùng một sản phẩm, hàng chính ngạch có thể có giá cao gấp 3–4 lần so với hàng “xách tay”.
Sự khác biệt về giá được lý giải bằng sự thiếu vắng hóa đơn, phí nhập khẩu, hay thậm chí cả quy trình bảo quản. Nhưng đằng sau mức giá rẻ ấy là một câu hỏi lớn về chất lượng: ai sẽ chịu trách nhiệm nếu có biến chứng xảy ra?
Giá rẻ đồng nghĩa với rủi ro
Theo TS.BS Hoàng Thanh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Thẩm mỹ, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cách gọi “xách tay” thực chất chỉ là màn che cho hàng nhập lậu. Không giấy tờ, không kiểm định, không truy xuất nguồn gốc đó là những nguy cơ mà người dùng đang tự đưa lên mặt mình mỗi ngày.
Thậm chí, một chiêu thức tinh vi hơn là nhập một ít hàng thật, rồi làm giả những sản phẩm còn lại, trộn lẫn, kèm hóa đơn sao chép. “Hàng chính hãng còn bị làm giả, thì việc tin vào hàng không giấy tờ là hoàn toàn vô căn cứ”, TS Tuấn nói.

Khi sử dụng hàng chính hãng, người tiêu dùng còn có cơ hội khiếu nại, yêu cầu hỗ trợ nếu xảy ra phản ứng. Nhưng với hàng lậu,không ai chịu trách nhiệm. Một khi da tổn thương, thậm chí viêm loét hay sốc phản vệ, mọi rủi ro đều do người dùng tự gánh.
Bên cạnh đó, mỹ phẩm chính hãng tuân thủ quy trình bảo quản nghiêm ngặt, trong khi hàng xách tay thường bị bỏ trong hành lý ký gửi, tiếp xúc với nhiệt độ cao, làm biến chất sản phẩm. Một lần đánh đổi cho sự tiện lợi có thể để lại hậu quả kéo dài hàng năm.