Sao Style

Những bộ váy huyền thoại định nghĩa thời trang điện ảnh

MCS- Điện ảnh và thời trang là hai lĩnh vực nghệ thuật song hành, tạo nên những dấu ấn không phai mờ trong lòng công chúng. Khi thời trang và văn học cùng giao thoa, chúng tạo ra những hình tượng vượt thời gian. Hãy cùng điểm qua những bộ váy đã chinh phục trái tim hàng triệu khán giả yêu nghệ thuật thứ bảy.

“War and Peace” (1956) vẻ đẹp thánh thiện của Audrey Hepburn

Hình ảnh Audrey Hepburn trong chiếc váy voan trắng thêu hoa lấp lánh đã trở thành một hình tượng vượt thời gian.

“War and Peace” là kiệt tác văn học của Lev Tolstoy được chuyển thể thành phim năm 1956 với sự tham gia của Audrey Hepburn trong vai Natasha Rostova. Chiếc váy voan trắng dài do nhà thiết kế Fernanda Gattinoni tạo nên đã trở thành một phần không thể thiếu khi nhắc đến bộ phim này. Với thiết kế suông nhẹ nhàng và các chi tiết thêu hoa văn trong suốt tinh xảo, chiếc váy đã làm toát lên vẻ đẹp mong manh, thanh thoát của Audrey Hepburn, khiến nhân vật của cô trở nên đầy sức sống và quý phái.

Thiết kế này không chỉ tôn lên nét đẹp trong trẻo của nhân vật thể hiện sự kỳ công và tinh tế trong từng chi tiết, khiến người xem không thể rời mắt.

Chiếc váy được làm từ chất liệu voan mềm mại, tạo độ rủ tự nhiên, giúp nhân vật Natasha trở nên uyển chuyển và duyên dáng. Kiểu tóc à la grecque, với các lọn tóc được cài gọn gàng, đã tôn thêm nét đẹp cổ điển, hòa quyện cùng trang phục để tạo nên hình ảnh kinh điển.

“The Leopard” (1963) kiệt tác trang phục của Piero Tosi

Bộ váy trắng tinh tế của Angelica Sedara trong “The Leopard” là một tác phẩm nghệ thuật.

“The Leopard” (Con Báo) là một bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết lịch sử của Giuseppe Tomasi di Lampedusa. Câu chuyện xoay quanh sự suy tàn của tầng lớp quý tộc Ý và sự trỗi dậy của tầng lớp tư sản mới trong thời kỳ Phục hưng. Nhân vật Angelica Sedara, do Claudia Cardinale thủ vai, xuất hiện lộng lẫy tại buổi vũ hội với chiếc váy trắng tinh khiết được làm từ organza và vải ngà voi, một sáng tạo tuyệt vời của nhà thiết kế Piero Tosi.

Đây là một trong những chiếc váy đẹp nhất từng xuất hiện trên màn ảnh, thể hiện sự xa hoa của thời kỳ phục hưng nước Ý

Sự thay đổi màu sắc từ hồng trong tiểu thuyết sang trắng trên màn ảnh đã làm nổi bật hình ảnh Angelica như biểu tượng của sự thuần khiết nhưng đầy kiêu hãnh. Sự tinh xảo trong từng chi tiết và cách chiếc váy bồng bềnh ôm lấy cơ thể đã tạo nên một hình ảnh lộng lẫy, ghi dấu ấn mạnh mẽ trong lòng khán giả.

“Breakfast at Tiffany’s” (1961) biểu tượng thời trang bất hủ của Audrey Hepburn

Thiết kế trong “Breakfast at Tiffany’s” đã đưa Audrey Hepburn trở thành biểu tượng thời trang toàn cầu.

Audrey Hepburn tiếp tục khẳng định vị thế là biểu tượng thời trang trong “Breakfast at Tiffany’s” với chiếc váy đen Givenchy trứ danh. Chiếc váy little black dress này không chỉ là một thiết kế đẹp mắt, mà còn trở thành biểu tượng của phong cách thanh lịch và tinh tế mà cả thế giới học hỏi.

Bộ trang phục này được kết hợp với chuỗi ngọc trai lấp lánh, đôi găng tay dài và cặp kính mắt đen lớn. Audrey Hepburn trong vai Holly Golightly đã mang đến hình ảnh một phụ nữ độc lập, quyến rũ nhưng cũng đầy bí ẩn. Chiếc váy không chỉ là một mảnh vải, mà là một phần không thể thiếu của nhân vật, giúp tôn vinh phong cách sống hiện đại của Holly Golightly và ghi tên mình vào lịch sử thời trang điện ảnh.

 “Atonement” (2007) sự quyến rũ của chiếc váy xanh lục bảo

Chiếc váy xanh nổi bật của Keira Knightley trong “Atonement” đã trở thành biểu tượng cho sự quyến rũ và sự tinh tế.

Chiếc váy xanh trong “Atonement” (Chuộc Lỗi) là một kiệt tác của nhà thiết kế Jacqueline Durran và đã trở thành biểu tượng của bộ phim. Thiết kế từ lụa satin, organza và chiffon, chiếc váy lấp lánh ôm trọn lấy dáng người Keira Knightley, tạo nên hình ảnh đầy gợi cảm và bí ẩn.

Chiếc váy này đã làm tôn lên vẻ đẹp tự nhiên và tạo nên một cảnh quay đáng nhớ.

Chiếc váy không chỉ là trang phục mà còn mang tính biểu tượng, lột tả cảm xúc của nhân vật Cecilia Tallis trong cảnh quay lãng mạn nhưng bi kịch. Vẻ đẹp thanh thoát và tinh tế của chiếc váy đã để lại dấu ấn không phai mờ trong lòng người xem, trở thành một trong những bộ trang phục được nhớ đến nhiều nhất trong lịch sử điện ảnh.

“The Great Gatsby” (2013) vẻ xa hoa của thập niên 1920

Trang phục của Daisy Buchanan là sự tái hiện của thập niên 1920 với những chiếc váy đính sequin, đá quý và phụ kiện cao cấp.

“The Great Gatsby” tái hiện hình ảnh hào nhoáng của thập niên 1920 qua nhân vật Daisy Buchanan, do Carey Mulligan thủ vai. Những thiết kế đầm flapper lấp lánh, đính đá quý và trang sức xa hoa đã được Catherine Martin khéo léo tạo nên, mang đến một hình ảnh vừa cổ điển vừa hiện đại.

Nhà thiết kế trang phục, đã thành công trong việc tạo nên phong cách thời trang xa hoa và lộng lẫy,

Chiếc váy flapper đính đá quý của Daisy là sự phối hợp hoàn hảo giữa chất liệu vải mềm mại và chi tiết sequin tinh xảo. Mũ đội đầu làm từ ngọc trai và kim cương càng tăng thêm sự quyến rũ cho tổng thể trang phục, giúp nhân vật nổi bật giữa đám đông trong những bữa tiệc xa hoa của Gatsby.

Những bộ váy trong các bộ phim kinh điển không chỉ góp phần xây dựng hình ảnh nhân vật mà còn ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả, trở thành biểu tượng của thời trang và nghệ thuật. Những thiết kế này đã minh chứng cho sự giao thoa hoàn hảo giữa thời trang và điện ảnh, mang lại vẻ đẹp vượt thời gian.