Sáng 24/7, ông Nguyễn Công Bắc, Giám đốc Công ty chăn nuôi Lộc Phát BLLT, cho biết, giá lợn hơi vừa tăng lên 65.000 đồng/kg chưa được bao lâu thì hơn một tuần nay đã giảm về mốc 60.000-61.000 đồng/kg.
“Cũng may dịp vừa qua tôi xuất bán được 1.000 con lợn với giá 64.000 đồng/kg”, ông nói.
Theo ông Bắc, những ngày gần đây, ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi, nhiều trang trại bán chạy lợn vì sợ dịch. Cùng với đó, có thông tin lợn nhập lậu đổ về nước ta đẩy nguồn cung trên thị trường tăng mạnh, giá lại quay đầu giảm vì nhu cầu vẫn chưa tăng cao.
Với mức giá như hiện tại, người chăn nuôi vẫn có lãi nhưng không được như kỳ vọng, ông cho hay.
Ông Hoàng Văn Chung, chủ trang trại chăn nuôi lợn ở Sơn Dương (Tuyên Quang), cũng than thở, khi giá tăng lên 65.000-67.000 đồng/kg, các hộ chăn nuôi chưa có nhiều lợn bán. Mức giá này neo chưa lâu thì gần một tuần nay mỗi ngày giảm mất một giá (1.000 đồng/kg).
Hiện giá lợn hơi xuất chuồng xuống còn 60.000-61.000 đồng/kg. Theo ông Chung, người chăn nuôi nếu giữ được đầu con (không bị hao hụt) thì có lãi nhẹ, còn không chỉ hòa vốn.
Ghi nhận giá lợn hơi ngày 24/7 cho thấy, tại khu vực miền Bắc giá dao động trong khoảng 60.000-63.000 đồng/kg; miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam đang thu mua quanh mức 59.000-62.000 đồng/kg.
Trao đổi với PV. VietNamNet, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, thừa nhận, giá lợn hơi đang có xu hướng giảm.
Qua thông tin nắm bắt, ông Dương cho biết, giá lợn hơi xuất chuồng ở nước ta đang cao hơn so với các nước trong khu vực. Theo đó, lợn nhập lậu từ Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia tràn vào dẫn đến nguồn cung ra thị trường tăng, giá lợn hơi nội địa giảm.
Giá lợn hơi ở Trung Quốc chỉ khoảng 45.000-47.000 đồng/kg, thấp hơn nhiều so với mức giá 59.000-63.000 đồng/kg ở nước ta. Thế nên, tại các tỉnh phía Bắc, lợn từ Trung Quốc nhập ồ ạt qua đường tiểu ngạch.
Tương tự, giá lợn Thái Lan và Campuchia cũng thấp hơn ở Việt Nam, khiến lợn từ hai quốc gia này đổ vào các nước ta qua biên giới các tỉnh Long An, Tây Ninh, Quảng Bình và Quảng Trị.
Mới đây, đồn biên phòng Sông Trăng (Tân Hưng, Long An) đã bắt giữ vụ vận chuyển lợn lậu từ Campuchia về khu vực biên giới tỉnh Long An. Ngay sau đó, số lợn này được đưa đi tiêu hủy.
Ở thời điểm giá lợn hơi tăng lên mức 59.000-67.000 đồng/kg, ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, đã cảnh báo, giá lợn hơi ở nước ta đang cao hơn giá các nước lân cận như Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia, Lào.
Khi lợn nhập lậu tràn vào, giá khó có thể tăng thêm, ông Đoán nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Xuân Dương, nguồn cung thịt lợn của nước ta hiện không thiếu. Thống kê cho thấy, tổng số lợn của cả nước tính đến cuối tháng 6/2023 tăng khoảng 2,5%; sản lượng thịt lợn hơi 6 tháng đầu năm ước đạt 2.325,6 nghìn tấn, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Giá lợn hơi dao động từ 62.000-67.000 đồng/kg là mức giá hợp lý, đảm bảo người chăn nuôi có lãi, người tiêu dùng cũng không phải ăn thịt với giá đắt đỏ.
Suốt một thời gian dài người chăn nuôi gồng lỗ nặng, bởi giá thức ăn chăn nuôi tăng trong khi giá bán lợn ở mức rất thấp. Tuy nhiên, tăng chưa được bao lâu, giá mặt hàng này đã quay đầu giảm.
“Nhập lậu lợn về không chỉ ảnh hưởng xấu đến ngành chăn nuôi trong nước mà còn tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh, rủi ro với sức khỏe người tiêu dùng”, ông Dương nói và kiến nghị bộ, ngành và địa phương cần kiểm soát chặt lợn nhập lậu, không ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi trong nước.
Ông Dương Tất Thắng – Cục trưởng Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) thừa nhận, có tình trạng heo hơi nhập khẩu qua đường tiểu ngạch từ các cửa khẩu trong cả nước cũng khiến giá heo hơi tuần qua diễn biến thất thường, ảnh hưởng đến tâm lý của người chăn nuôi.
Bộ NN-PTNT đã có văn bản gửi Bộ Công An, Bộ Quốc phòng, chính quyền các địa phương phối hợp chặt chẽ, tăng cường kiểm soát nhằm phát hiện, xử lý triệt để cá nhân, tổ chức vận chuyển heo sống từ bên ngoài vào Việt Nam, ông thông tin.