Họ tuy bị địch bắt, bị tra tấn vô cùng dã man, nhưng vẫn kiên quyết không chịu khai báo trước kẻ thù để bảo vệ tổ chức mình, đồng chí mình, đi đến thắng lợi cuối cùng.
Những câu chuyện tôi kể dưới đây có lẽ chỉ là rất ít trong cuộc sống chiến đấu của các thế hệ đi trước.
1. “Mày là kẻ phản bội”
Nữ liệt sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang Ðặng Thị Kim (1929-1948), tên thường gọi là Ðặng Thị Oanh công tác ở Ðội Tuyên truyền xung phong nhưng được phân công hoạt động bí mật tại Nha Trang, Khánh Hoà.
Tháng 7/1946, chị được cử vào Ban chấp hành Hội Phụ nữ cứu quốc Nha Trang và là người trực tiếp tham gia lãnh đạo cuộc biểu tình ngày 30/10/1946, đòi chính phủ Pháp phải thi hành Hiệp định sơ bộ 6/3 và Tạm ước ngày 14/9/1946.
Tháng 12/1946, chị Ðặng Thị Kim được vinh dự kết nạp Ðảng rồi sau đó được bổ sung vào Ban chấp hành lâm thời Thị ủy Nha Trang.
Ngoài công tác phụ vận, chị đã xây dựng và chỉ huy một tiểu đội nữ du kích của địa phương. Tháng 8/1948, từ Nha Trang, chị cùng hai cán bộ nam đi thuyền qua eo biển về chiến khu ở huyện Vĩnh Xương dự họp thì không may có kẻ phản bội chỉ điểm, đón bắt. Ðịch đưa tên phản bội đến nhận diện. Chúng còn biết rõ chị là vợ ông Trương An, Phó bí thư Tỉnh ủy lâm thời Khánh Hòa.
Nhà báo Xuân Hoà kể, người lính từng dẫn giải chị Ðặng Thị Kim đi xử chém đã bí mật liên lạc với cách mạng. Người này kể rằng địch tra tấn chị rất dã man: quay điện, treo người lên rồi đánh, đạp giày đinh lên bụng trong lúc chị đang mang thai khoảng 3 tháng… để buộc chị khai báo.
Bất lực và cay cú, địch cho một tên lính lê dương bí mật vào xà lim hãm hiếp chị, sau đó tiếp tục tra tấn, bỏ chị vào bao tải, cột túm lại, bỏ lên xe chở ra rừng dương ven biển phía nam Nha Trang để hành hình bằng cách chém đầu chị.
Anh Xuân Hoà còn được bà Ðặng Phi Hoàng, em gái liệt sĩ Ðặng Thị Kim, kể: “Năm 1952, khi Hải Phòng vẫn bị Pháp chiếm đóng, có một thanh niên đến phòng khám đông y (hiệu Chu Sỹ) của ông Nguyễn Tư Phấn, cậu ruột của tôi. Dường như nỗi day dứt, ân hận bao năm khiến anh ta không thể chịu đựng được nên thôi thúc anh lặn lội từ Nha Trang ra Hải Phòng.
Hai ngày liền, người này xin bắt mạch nhưng lại lân la hỏi ông Phấn có phải người Nam Ðịnh không. Khi ông Phấn bảo đúng, anh ta run rẩy kể: “Cháu tham gia công tác thanh niên cùng chị Oanh (tức Ðặng Thị Kim) từ năm 1945. Sau khi mặt trận Nha Trang vỡ, cháu bị ép vào quân dịch. Cái đêm chị Oanh bị sát hại, cháu làm phiên dịch cho viên thiếu úy trẻ người Pháp. Lúc đó, chúng tra tấn chị rất dã man. Chị đã trút những lời lẽ căm thù vào bọn họ. Chị bảo cháu ‘mày là kẻ phản bội’ và nhổ nước bọt vào mặt cháu.
Mấy năm rồi, cháu vẫn có cảm giác nước bọt còn dính trên mặt… Sau đó, một tên gí súng vào tai chị và hỏi cần nói gì trước khi chết. Chị điềm tĩnh: ‘Chúng mày coi tao là có tội thì cứ giết tao, nhưng con tao trong bụng, nó vô tội, hãy để tao sinh con rồi hãy giết…’.
Bọn họ định bắn chị ngay tại đó, nhưng sợ tiếng súng làm vang động đến dân chúng địa phương, nơi chị từng hoạt động và có ảnh hưởng rộng lớn nên đã xúm vào cắt cổ chị…
Có lẽ cái chết oanh liệt của chị đã khiến viên sĩ quan trẻ người Pháp khiếp đảm nên ngay trong đêm đó, anh ta viết đơn xin về nước”.
Năm 2011, khi đã 83 tuổi, bà Nguyễn Thị Hồ Hương – người cùng hoạt động với liệt sĩ Ðặng Thị Kim, nhớ lại: “Lúc đó, chủ trương của địch là tra tấn, đàn áp, buộc cán bộ, đảng viên khai báo, đầu hàng, để làm nhụt ý chí những người tham gia kháng chiến.
Với cương vị công tác của mình, lại là vợ đồng chí Phó bí thư Tỉnh ủy, cô Kim nắm được nhiều cơ sở quần chúng nên biết rất rõ về cơ quan đầu não của ta ở chiến khu. Mặc dù đang có thai, lại bị tra tấn dã man, nhưng cô Kim chấp nhận hy sinh để bảo vệ đồng chí, đồng bào. Vì thế nên không có cơ sở nào của ta bị vỡ”.
Chị Ðặng Thị Kim được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu AHLLVTND năm 2012.
2. Ánh mắt khiến kẻ phản bội run rẩy
Trưởng ban An ninh T4 Thành uỷ Sài Gòn – Gia Định Nguyễn Tài (1926-2016), nguyên Thứ trưởng Bộ Công an trước khi tình nguyện vào chiến trường miền Nam chiến đấu năm 1964 đã có 7 năm kinh nghiệm là Cục trưởng Cục Bảo vệ của Bộ Công an.
Khi nhậm chức này, ông mới 29 tuổi. Lúc vào chiến trường, Bác Hồ biết tin nên đã đánh bức điện Tuyệt mật vào Trung ương Cục miền Nam với nội dung: “Chú Nguyễn Tài là tài sản quý của Ðảng. Mọi người phải bảo vệ chú ấy!”.
Bác rất hiểu nghiệp vụ, phẩm chất và tài năng của ông Nguyễn Tài là do có nhiều năm ông Tài đã phục vụ Bác.
Nhưng vào ngày 23/12/1970, ông bị địch bắt trên đường đi công tác cùng cả đồng chí liên lạc của mình.
Trong cuốn hồi ký “Ðối mặt CIA Mỹ” (NXB Công an Nhân dân), ông đã hồi tưởng về quãng thời gian bị địch bắt, giam cầm, tra tấn. Cuốn hồi ký này xuất bản lần đầu năm 1997.
Theo đó, lúc đầu, ông còn giấu được tung tích, “đánh lừa được kẻ địch bằng một bình phong giả tạo. Nhưng rồi 6 tháng sau, do một sự sơ hở từ bên ngoài, rồi do có kẻ phản bội khai báo, nhận diện, tôi bị lộ tung tích”.
Tuy nhiên, trong cuốn sách nói trên, có một chuyện ông không kể, nhưng con trai ông, Ðại tá Nguyễn Trường Ðại, nguyên Cục phó Cục Tin học, Bộ Công an cho tôi biết một chuyện khá đặc biệt mà cha ông đã kể cho các con nghe.
Số là địch lúc đó bắt giữ được một bác sĩ của ta đang công tác ở ngoài căn cứ mà lại là cơ quan của ông. Người này được CIA Mỹ bịt mắt để thử xem nghe giọng ông có nhận ra không khi chúng đã có nhiều chứng cứ biết ông là Trưởng ban An ninh T4.
Người đó dù bị bịt mắt nhưng chỉ nghe cái cách ông húng hắng giọng đã khẳng định với bọn thẩm vấn ông Tài: Cho dù không nhìn mặt, tôi cũng vẫn khẳng định, đó chính là Tư Trọng (bí danh của ông Nguyễn Tài khi vào Nam đã dùng), không trộn vào đâu được…
Một cuộc đấu tranh trực diện gay go, quyết liệt và gian khổ đã diễn ra đối với ông Tài trong hoàn cảnh bị biệt giam từ đầu đến cuối. Lúc kẻ địch mở băng bịt mắt của kẻ chỉ điểm kia, ông Tài đã có ánh nhìn không chớp mắt với hắn ta. Ánh nhìn ấy ngay lập tức khiến người kia tỏ rõ lúng túng, mất tinh thần.
Hôm sau, cai ngục hỏi ông: “Ông có biết thôi miên thì sẽ thế nào không?”. Ông Nguyễn Tài trả lời bâng quơ là không biết gì. Bọn chúng nói luôn: “Cái tay hôm qua nhận diện ông rồi bị ông nhìn không chớp mắt ấy, đã chết rồi. Bị nhồi máu lên não, không cứu kịp”.
Chuyện này, tổ chức tình báo của ta sau đó có biết, nhưng cũng chỉ biết rằng anh ta bị đột tử.
“Theo nhiều tin tức thì bọn chỉ huy tình báo địch đã chủ trương giết tôi vào những ngày cuối tháng 4/1975. Nhưng bọn tay sai bên dưới sợ không dám thi hành vì quân ta đã tiến đến rất sát Sài Gòn. Cuối cùng, khi bộ đội ta tấn công vào Sài Gòn đã giải thoát cho tôi tại Nhà tù 3, Bạch Ðằng trưa ngày 30/4 sau đúng 4 năm 4 tháng 10 ngày bị cầm tù”, ông viết trong hồi ký.
Thế mới biết, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Tài từng khiến kẻ phản bội mình phải run rẩy khiếp sợ khi ông nhìn trực diện. Có lẽ anh ta đã thấy rõ ánh mắt căm giận từ nơi ông và ánh mắt ấy khiến anh ta day dứt, mất ngủ để rồi bị nhồi máu não ngay khi ra khỏi buồng thẩm vấn.
Cố AHLLVT Nguyễn Tài (1926-2016) thật xứng đáng Anh hùng còn ở chỗ ông đã kiên trì và bền bỉ đấu tranh mang tính nội bộ để bảo vệ sự trong sáng của một đảng viên tuyệt đối trung thành với Ðảng nhưng bị hàm oan trong thời gian hơn 4 năm bị địch bắt giam. Cách để ông có thể đi đến cùng sự thật trong suốt cả 11 năm đấu tranh nội bộ là không ngừng nghỉ, đấu tranh có nguyên tắc.
Ông đã được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh năm 2009 như một phần thưởng xứng đáng cho cả quá trình công tác trọn đời của mình với đất nước.