Theo báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, gần đây tình trạng tổ chức các hoạt động văn nghệ có diễn xướng “Hầu đồng” không đúng bản chất và không gian thực hành di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ” của người Việt đang diễn ra ở không ít địa phương; đã xâm phạm một số tập tục, kiêng kỵ và làm sai lệch giá trị của di sản văn hóa phi vật thể, dẫn tới biến đổi giá trị di sản.
Đây là vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng đến việc xem xét thông qua Báo cáo định kỳ quốc gia mà Việt Nam phải đệ trình Uỷ ban Liên chính phủ Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể. Nếu nghiêm trọng có thể bị UNESCO xem xét, rút danh hiệu.
Chúng ta đều biết, diễn xướng “Hầu đồng” là một trong ba nội dung chính của Di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ” của người Việt, đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại từ năm 2016. Đây là loại hình văn hóa dân gian nhằm tôn vinh người Mẹ, xây dựng nên tín ngưỡng thờ Mẫu độc đáo của người Việt. Do đó cần phải được bảo vệ và phát huy đúng với giá trị cao đẹp của nó.
Cùng với đó, thực tế cũng cho thấy, thời gian qua công tác quản lý, tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật ở nhiều nơi còn hạn chế, bất cập.
Tình trạng tổ chức biểu diễn nghệ thuật, triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh khi chưa được cấp phép, chấp thuận hoặc việc tổ chức tràn lan các cuộc thi người đẹp, người mẫu, có dấu hiệu lệch chuẩn ngày càng phổ biến.
Gần đây, hiện tượng phổ biến phim, ảnh trên không gian mạng có nhiều vi phạm nhưng chưa được xử lý kịp thời; vẫn còn tình trạng một số lễ hội tổ chức mà chưa đảm bảo nội dung…
Trước thực trạng đáng lo ngại trên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề nghị chính quyền các địa phương cùng phối hợp tăng cường quản lý nhà nước đối với một số hoạt động văn hóa, nghệ thuật, lễ hội, nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản, phục hồi, phát triển du lịch.
Ở Thái Nguyên, mặc dù chưa phát hiện trường hợp thực hành làm sai lệch, biến dạng di sản, nhưng chính quyền địa phương cũng đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường các biện pháp quản lý.
Trước tiên là đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật, hướng dẫn nghiệp vụ bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể tại địa phương. Nâng cao nhận thức cho nghệ nhân, người thực hành và cộng đồng về giá trị của di sản văn hóa phi vật thể. Có biện pháp nhắc nhở và chấn chỉnh các trường hợp tham gia và làm biến dạng, thực hành sai lệch di sản.
Tỉnh cũng yêu cầu đơn vị chuyên môn tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng việc thực hành di sản văn hóa phi vật thể để trục lợi, hoạt động mê tín dị đoan.
Xử lý các hành vi trái pháp luật, làm sai lệch giá trị của di sản như: Thực hành di sản không đúng với bản chất và tính chất truyền thống của di sản; thay đổi, bổ sung các yếu tố mới cũng như biểu diễn di sản mà không có sự đồng thuận của cộng đồng; đưa di sản ra trình diễn ngoài phạm vi không gian thực hành di sản…