Đề xuất 3 tháng điều chỉnh giá điện một lần
Thông tin về dự thảo của Bộ Công Thương lấy ý kiến về sửa đổi cơ chế điều chỉnh biểu giá bán lẻ điện và Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện mới (thay thế Quyết định 28/2014/QĐ-TTg), tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ ngày 5/8 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, quyết định này nhằm đảm bảo mức độ tự quyết của doanh nghiệp trong khung giá đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đề cập đến chu kỳ điều chỉnh giá điện, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, do ảnh hưởng của địa chính trị thế giới, giá nhiên liệu thế giới tăng cao từ cuối quý I/2022. Chí phí nhiên liệu mà Việt Nam phải nhập khẩu để sản xuất điện tăng theo giá thế giới làm chi phí mua điện của EVN tăng cao, ảnh hưởng đến cân đối tài chính và dòng tiền của tập đoàn. Do đó, EVN đã đề xuất điều chỉnh tăng giá điện vào các năm 2022, 2023 để đảm bảo dòng tiền, tình hình tài chính. Với biến động thông số đầu vào (chủ yếu là giá nhiên liệu), kết quả tính toán cho thấy giá điện cần điều chỉnh tăng ở mức tương đối cao để đảm bảo dòng tiền cho EVN.
“Trong quá trình xem xét đề xuất điều chỉnh giá điện của EVN năm 2022 cũng như 2023, Thường trực Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến là cần nghiên cứu, điều chỉnh giá điện theo lộ trình từng bước cho phù hợp, tránh điều hành giật cục, tránh gây ảnh hưởng lớn đến kinh tế vĩ mô, sản xuất của doanh nghiệp và đời sống của người dân”, ông Hải nhấn mạnh.
Cũng theo đại diện Bộ Công Thương, thực hiện chỉ đạo của Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở đề xuất của EVN, Bộ Công Thương đã nghiên cứu, trong dự thảo đã đề xuất rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá bán điện xuống còn 3 tháng/lần; việc điều chỉnh này phù hợp với quy định hiện nay, bởi theo Quyết định 24/2017/QĐ-TTg đã quy định, thì EVN phải cáo cáo, tính toán giá điện cập nhật hàng quý…
Về lộ trình thực hiện giá điện hai thành phần, giảm bù chéo trong giá điện, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, lộ trình sẽ được chia làm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 sẽ sửa đổi giá bán điện cho nhóm khách hàng sử dụng điện ngoài mục đích sinh hoạt ở mức tối thiểu, đảm bảo tránh gây biến động quá lớn trong việc thực hiện cơ cấu biểu giá bán lẻ điện nhưng vẫn giải quyết được những vấn đề cấp thiết mà dư luận và người dân đặt ra trong thời gian qua, cụ thể như sau: Bổ sung nhóm khách hàng “cơ sở lưu trú du lịch” để áp dụng giá bán lẻ điện bằng với giá bán lẻ điện cho sản xuất.
Gộp giá bán điện theo các cấp điện áp để phù hợp với thực tế phát triển lưới điện tại các Tổng Công ty Điện lực; bổ sung cơ cấu giá bán lẻ điện cho nhóm khách hàng sử dụng điện cho sản xuất tại cấp điện áp 220 kV trở lên để phù hợp với thực tế phát triển khách hàng và đảm bảo giá điện phản ánh chi phí sản xuất kinh doanh điện; bổ sung cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho nhóm khách hàng trạm/trụ sạc xe điện theo nguyên tắc giá điện phản ánh đúng, đủ chi phí sản xuất, kinh doanh cho ngành điện.
Trong giai đoạn 2, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với EVN theo dõi, cập nhật số liệu, đánh giá ảnh hưởng của phương án đề xuất tại Đề án (theo nguyên tắc giá phản ánh đủ chi phí) tới tình hình sản xuất và đời sống của nhân dân, xây dựng lộ trình áp dụng theo từng giai đoạn phù hợp với sự phục hồi của nền kinh tế để báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định…
Có gây biến động với người tiêu dùng?
Theo dự thảo về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân được Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến các bộ, ngành, EVN sẽ được phép tăng, giảm giá điện trong biên độ từ 1% đến dưới 5% trong thời gian 3 tháng/lần. Cụ thể, trên cơ sở kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện, kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện, EVN sẽ tính toán giá bán lẻ điện bình quân để xây dựng phương án điều chỉnh tăng, giảm. Nếu giá thành điện giảm từ 1% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành, EVN sẽ phải điều chỉnh giảm theo. Để thực hiện việc giảm giá, EVN lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính để kiểm tra, giám sát.
Đối với việc tăng giá điện, thẩm quyền điều chỉnh cơ bản được giữ nguyên như quy định hiện hành. Cụ thể, mức tăng từ 3% đến dưới 5% sẽ do EVN được điều chỉnh tăng tương ứng, sau khi báo cáo các bộ, ngành liên quan. Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 5% đến dưới 10% sẽ thuộc thẩm quyền của Bộ Công Thương. Với mức tăng trên 10%, các bộ, ngành, đơn vị liên quan sẽ phải báo cáo Thủ tướng xem xét, cho ý kiến…
Theo chuyên gia Vũ Vinh Phú, giá điện được điều chỉnh chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng và doanh nghiệp sản xuất. Vì thế, nên để chu kỳ điều chỉnh giá điện 6 tháng/lần là biên độ vừa. Lý do, hiện nay ngành Điện vẫn còn mang dáng dấp độc quyền, thiếu sự cạnh tranh. Vì thế, nếu thông qua dự thảo thì cần phải cho thêm các nhà đầu tư vào ngành điện để tạo sự cạnh tranh.
Đặc biệt, ở góc độ kinh tế, một số người đặt câu hỏi: Căn cứ vào đâu để Bộ Công Thương đồng ý với đề xuất của Tập đoàn Điện lực cứ 3 tháng điều chỉnh giá điện một lần? Ví như mặt hàng xăng dầu, đa số là nhập khẩu, nên Liên Bộ Công Thương – Tài chính căn cứ vào giá dầu thô thế giới làm căn cứ cho việc điều chỉnh giá (lên/xuống). Song với mặt hàng điện, hiện nay có nhiều nguồn cung cấp khác nhau gồm: Thủy điện, nhiệt điện (than, khí hóa lỏng) và điện tái tạo (năng lượng mặt trời). Thủy điện phụ thuộc nguồn nước, nhiệt điện phụ thuộc giá than, giá khí từ các mỏ. Đây chính là nguồn cung cấp nguồn điện năng chính cho ngành Điện. Vậy, ngành Điện hàng quý sẽ tính toán hệ số đầu vào thế nào để xây dựng cơ cấu giá, đặc biệt với cơ cấu giá thủy điện. Chúng ta chỉ có thể điều chỉnh giá theo độ biến động của thị trường hoặc khi có thị trường điện cạnh tranh. Còn khi thị trường điện chưa cạnh tranh, thật khó để EVN cứ 3 tháng lại điều chỉnh giá một lần.