Nhiều người thường nghĩ Year End Party là dịp để nhân viên thư giãn, giao lưu sau một năm làm việc vất vả. Nhưng thực tế, với không ít dân công sở, YEP lại mang đến những áp lực không đáng có.
Phương Quỳnh (24 tuổi, biên dịch viên tại TP.HCM) chia sẻ: “Cứ đến mùa YEP, không khí công ty lại rộn ràng nhưng không phải vì háo hức mà vì… lo lắng. Ai cũng sợ bị giao chuẩn bị văn nghệ. Chỉ cần lỡ nói về một sở thích cá nhân, bạn có thể trở thành tâm điểm bị ‘chỉ định’.”
Không chỉ Quỳnh, Minh Ngọc (21 tuổi, thực tập sinh PR) cũng gặp tình cảnh tương tự. Ngọc được giao viết kịch bản và tham gia diễn xuất cho một tiết mục trong khi công việc hàng ngày đã rất bận rộn. “Mình phải bỏ tiền túi mua đạo cụ và tập đến khuya, nhưng khi diễn lại bị chỉ trích vì không đúng ý mọi người. Điều này làm mình cảm thấy nản và tủi thân,” Ngọc tâm sự.
Việc văn nghệ trở thành “trách nhiệm không ai muốn nhận” khiến không khí chuẩn bị cho YEP mất đi sự vui vẻ. Các nhân viên, đặc biệt là thế hệ trẻ, thường bị gán ghép với hình ảnh “năng động” nên mặc định phải đảm nhiệm những phần việc này, dù họ có thực sự thoải mái hay không.
Áp lực kép: công việc và YEP đồng hành
Cuối năm là mùa cao điểm công việc, khi mọi người đều chạy đua để hoàn thành KPI và báo cáo. Trong bối cảnh đó, việc phải cân bằng thêm trách nhiệm tổ chức YEP khiến nhiều nhân viên rơi vào tình trạng quá tải.
Hà Thư (22 tuổi, nhân viên thiết kế tại Hà Nội) kể: “Công ty mình tổ chức YEP vào cuối tháng 11 để tránh trùng với chiến dịch Giáng Sinh. Tuy nhiên, đúng ngày tiệc, nhiều người vẫn tranh thủ check email hoặc chỉnh sửa tài liệu. Ngay cả khi sếp không ép, tâm lý chung vẫn là không yên tâm nếu công việc chưa hoàn thành.”
Phương Thu (26 tuổi, nhân sự tại TP.HCM) cho biết thêm: “Để chuẩn bị cho YEP, chúng mình phải họp bàn ý tưởng, tổ chức luyện tập và lo hậu cần. Tất cả đều phải làm song song với công việc chính. Điều này khiến tinh thần mọi người xuống dốc, không còn cảm giác hào hứng với tiệc cuối năm.”
Giải pháp đổi mới để YEP trở nên ý nghĩa hơn
Để giảm tải áp lực, nhiều công ty đã bắt đầu thay đổi cách tổ chức YEP. Thay vì các tiết mục văn nghệ phức tạp, một số doanh nghiệp chọn các hình thức đơn giản hơn như gala dinner, workshop sáng tạo, hay thậm chí nghỉ dưỡng tập thể.
“Những hoạt động như vẽ tranh, làm gốm hoặc dã ngoại cuối tuần không chỉ giúp nhân viên thư giãn mà còn tạo cơ hội gắn kết tự nhiên hơn. Đây cũng là lý do những mô hình này ngày càng được yêu thích” Phương Thu chia sẻ.
Bên cạnh đó, việc thuê đội ngũ tổ chức sự kiện chuyên nghiệp cũng là cách giảm áp lực cho nhân viên. “Khi mọi người không phải lo từ A đến Z, họ sẽ có thời gian tận hưởng bữa tiệc đúng nghĩa hơn” Thu nói thêm.