Cần chặt chẽ hơn về pháp lý đối với loại hình căn hộ “chung cư mini”
* Phóng viên: Qua theo dõi vụ cháy “chung cư mini” ở quận Thanh Xuân, bà thấy vụ việc này như thế nào?
* Luật sư LƯU KIỀU TRANG: Vụ việc xảy ra để lại thương vong quá lớn về người và tài sản; và đã đặt ra nhiều vấn đề cần phải được xác minh, điều tra xử lý nghiêm đối với chủ “chung cư mini” về hành vi vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy. Đồng thời làm rõ trách nhiệm của cơ quan chức năng tại địa phương trong việc cấp phép xây dựng, quản lý, kiểm tra, kiểm soát việc đảm bảo chất lượng công trình xây dựng và phòng cháy chữa cháy trong quá trình vận hành căn hộ “chung cư mini”. Sự việc cũng đặt ra yêu cầu cần phải có khuôn khổ pháp lý chặt chẽ hơn đối với loại hình nhà ở kiểu này đang ngày càng phổ biến hiện nay.
Hiện, Công an TP Hà Nội đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với chủ nhà về tội “Vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy” theo điều 313 Bộ luật Hình sự. Vậy, trong vụ việc này, chủ chung cư có trách nhiệm như thế nào khi đã bán căn hộ hoặc cho thuê?
* Việc chủ nhà bán hoặc cho thuê căn hộ nhưng khi xây dựng và đưa công trình vào khai thác sử dụng đã không thực hiện việc xin cấp phép phòng cháy chữa cháy, công trình không đảm bảo các điều kiện an toàn về phòng cháy chữa cháy, gây ra thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản và phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy” theo quy định tại khoản 3 điều 313 Bộ luật Hình sự.
Theo đó, phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 12 năm: Làm chết 3 người trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 20% trở lên; Gây thiệt hại về tài sản 1,5 tỷ đồng trở lên.
Bên cạnh đó, chủ chung cư còn phải có trách nhiệm bồi thường dân sự cho các gia đình nạn nhân về tính mạng và tài sản bị xâm phạm theo quy định của Bộ luật Dân sự.
Từ vụ việc trên, câu hỏi đặt ra xây dựng “chung cư mini” giữa khu vực đông đúc như vậy có đúng với quy định của pháp luật không? Theo định nghĩa chi tiết được nêu tại điều 22 Nghị định 71 và Quyết định số 24/2014/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội, “chung cư mini” là loại hình nhà ở do cá nhân/hộ gia đình xây dựng có từ 2 tầng trở lên, trong đó mỗi tầng sẽ có từ 2 phòng được thiết kế và xây dựng theo quy mô khép kín, diện tích sàn tối thiểu phải đạt 30m2. Điều kiện để được cấp giấy phép xây dựng “chung cư mini” tuân thủ theo các điều kiện cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ, bao gồm hồ sơ, tiêu chuẩn, quy chuẩn và mục đích sử dụng đất. Tại điều 93 của Luật Xây dựng năm 2014, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2014 quy định về điều kiện cấp giấy phép xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ bao gồm: Phù hợp với mục đích sử dụng đất theo quy hoạch sử dụng đất được phê duyệt và quy chế quản lý kiến trúc được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành.
Bảo đảm an toàn cho công trình, công trình lân cận và yêu cầu về bảo vệ môi trường, phòng, chống cháy, nổ… vì vậy, việc xây dựng “chung cư mini” trong ngõ nhỏ chật hẹp là trái quy định của quy hoạch xây dựng. Ngoài tình trạng kẹt xe, áp lực lên hạ tầng, phần lớn các công trình trong ngõ nhỏ không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy. Đáng lo ngại, trường hợp xe cứu hỏa đến nơi không thể di chuyển đến khu vực cửa sổ nơi xảy ra vụ cháy bởi thiết kế đường giao thông của tòa nhà lệch chuẩn.
Trong vụ án này, trách nhiệm của các bên ra sao?
* Theo quy định tại khoản 4 điều 104 và khoản 2 điều 105 Luật Xây dựng 2014 được hướng dẫn bởi điều 5, 6 Thông tư 15/2016/TT-BXD về trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức liên quan đến cấp phép xây dựng thì cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng phải “Chủ trì và phối hợp với cơ quan chức năng có liên quan kiểm tra việc thực hiện xây dựng theo giấy phép xây dựng; đình chỉ xây dựng, thu hồi giấy phép xây dựng theo thẩm quyền khi chủ đầu tư xây dựng công trình vi phạm nghiêm trọng”.
Đồng thời, các cơ quan, tổ chức liên quan đến cấp phép xây dựng phải “Thực hiện các biện pháp cần thiết khi nhận được thông báo của cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm đối với công trình xây dựng sai quy hoạch, xây dựng không có giấy phép hoặc không đúng với giấy phép xây dựng được cấp”.
Như vậy, sau khi cấp phép xây dựng thì cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng phải phối hợp với cơ quan chức năng có liên quan để kiểm tra việc xây dựng theo đúng giấy phép xây dựng. Và khi chủ “chung cư mini” xây dựng trái với số tầng được cấp phép (cụ thể là từ 6 tầng lên 9 tầng) thì cơ quan có thẩm quyền phải biết và thu hồi giấy phép xây dựng khi chủ chung cư đã xây dựng công trình vi phạm nghiêm trọng.
Để gây ra hậu quả như ngày hôm nay, từ việc thiếu trách nhiệm giám sát ngăn chặn việc xây dựng trái phép, vi phạm nghiêm trọng xây dựng theo giấy phép xây dựng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì người có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng và những cá nhân có thẩm quyền được phân công nhiệm vụ quản lý phải có nghĩa bồi thường và chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng mà mình gây ra. Cụ thể, các cá nhân có thẩm quyền liên quan có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự và khởi tố vụ án hình sự theo các điểm a, b, c, d khoản 3 điều 360 đối với tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” làm 56 người tử vong và 37 người bị thương với khung hình phạt tù từ 7 năm đến 12 năm.
* Như bà nói, trong vụ việc có dấu hiệu buông lỏng quản lý xây dựng cũng như các quy định về phòng cháy, chữa cháy?
* Những năm trở lại đây, “chung cư mini” đang trở nên phổ biến, giá thành dễ chịu với nhiều gia đình có mức thu nhập thấp và sinh viên. Vụ cháy ở “chung cư mini” tại Thanh Xuân đã gây ra thương vong, gây tiếc nuối và thương tiếc vì sự việc ngoài mong muốn.
Vấn đề về khuôn khổ pháp lý điều chỉnh đối với loại hình “chung cư mini” hiện nay còn chưa toàn diện và đầy đủ. Luật Đất đai và Luật Nhà ở hiện hành vẫn chưa có quy định rõ ràng về loại hình và các điều kiện xây dựng, thủ tục xin cấp phép, điều kiện thi công và thiết kế đối với loại hình đặc thù này. Việc xây dựng “chung cư mini” hiện nay chỉ tuân thủ các điều kiện chung về nhà ở, công trình xây dựng riêng lẻ tại đô thị nên tạo ra sự bất cập lớn trong công tác thực thi pháp luật khiến việc quản lý rất khó khăn. Đây cũng là kẽ hở khiến cho nhiều “chung cư mini” được cấp phép, vận hành khi chưa đảm bảo đủ các điều kiện an toàn về phòng cháy chữa cháy theo quy định của pháp luật.
Tình trạng “chung cư mini” không đầy đủ pháp lý khi đưa vào hoạt động, vi phạm trật tự xây dựng, không đảm bảo phòng cháy chữa cháy, không có quy định về việc vận hành… cũng là kết quả của việc thiếu trách nhiệm trong công tác cấp phép, quản lý của chính quyền địa phương, cơ quan quản lý phòng cháy chữa cháy.
Mặc dù TP Hà Nội đã có những công văn, biên bản, các văn bản quy định về vấn đề xây dựng và quá trình phòng cháy chữa cháy, tuy nhiên công tác quản lý nhà nước về phòng cháy chữa cháy còn những hạn chế nhất định; vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về trật tự xây dựng, trật tự đô thị chưa quyết liệt, thiếu trách nhiệm, dẫn đến có dấu hiệu “buông lỏng” trong quản lý. Vì những lý do đó ta cần có những hình phạt mạnh mẽ, răn đe hơn.
* Cảm ơn luật sư!