Chợ truyền thống thiếu sức sống ngày cận tết
Thời điểm giáp Tết Nguyên đán thường là lúc các chợ truyền thống đông đúc với đủ loại hàng hóa chuẩn bị cho dịp lễ lớn nhất năm. Thế nhưng năm nay, các khu chợ lớn tại Hà Nội như chợ Đồng Xuân, Ninh Hiệp hay chợ Mơ lại rơi vào tình trạng vắng vẻ. Hình ảnh các sạp hàng bày biện đồ Tết nhưng không có khách ghé mua khiến không ít tiểu thương rơi vào tâm trạng chán nản.
Chị Thu Trang, một tiểu thương tại chợ Mơ chia sẻ: “Trước đây, vào thời điểm này là chợ đông kín người. Giờ thì chỉ lác đác vài khách hỏi mua sỉ, còn khách lẻ gần như không thấy đâu. Từ sau Covid-19, khách chuyển hẳn sang mua sắm online. Tôi thường đóng sạp từ 3h chiều vì chẳng có khách”.
Không chỉ chợ Mơ, tình trạng tương tự cũng xảy ra tại chợ đầu mối Ninh Hiệp nơi vốn nổi tiếng với lượng người đổ về nhập hàng sỉ đông đúc. Các chủ buôn ngồi thảnh thơi sử dụng điện thoại, trong khi các mặt hàng treo biển giảm giá lại ít người hỏi mua.
Thương mại điện tử lên ngôi đẩy tiểu thương vào thế khó
Sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử đã khiến các tiểu thương tại chợ truyền thống gặp không ít thách thức. Khách hàng ngày nay có xu hướng lựa chọn mua sắm trực tuyến bởi sự tiện lợi và đa dạng sản phẩm. Chỉ với vài cú nhấp chuột, người tiêu dùng có thể đặt mua đủ loại hàng hóa mà không cần phải đến chợ đông đúc.
Theo khảo sát, trung bình mỗi người Việt Nam mua hàng trực tuyến 4 lần/tháng. Điều này đã đặt ra bài toán lớn cho các tiểu thương trong việc thích nghi và chuyển đổi số để tồn tại trong thị trường hiện đại.
Chia sẻ về tầm quan trọng của việc chuyển đổi số, bà Lại Việt Anh – Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số nhấn mạnh: “Chuyển đổi số trong ngành bán lẻ không thể chậm trễ. Các doanh nghiệp bán buôn, tiểu thương cần đẩy mạnh kinh doanh trực tuyến để tiếp cận khách hàng trên nhiều kênh khác nhau, mang lại giá trị cao hơn”.
Việc chuyển đổi số không chỉ giúp tiểu thương mở rộng thị trường mà còn tạo ra cơ hội tiếp cận nhiều đối tượng khách hàng hơn, từ đó dần thích nghi với xu thế mới.