Có 2.865 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (tăng 58,1% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký đạt hơn 16,41 tỷ USD (tăng 42,4% so với cùng kỳ). Về điều chỉnh vốn, có 1.152 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 15,9% so với cùng kỳ), tổng vốn đầu tư tăng thêm đạt hơn 6,47 tỷ USD (giảm 32,1% so với cùng kỳ).
Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 20,25 tỷ USD, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2022.
Về góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp, báo cáo cho biết, trong 11 tháng 2023, có 3.166 giao dịch góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (giảm 4% so với cùng kỳ), tổng giá trị vốn góp đạt gần 5,97 tỷ USD (tăng 46,4% so với cùng kỳ).
Xét theo địa bàn đầu tư, theo Cục Đầu tư nước ngoài, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 56 tỉnh, thành phố trên cả nước trong 11 tháng năm 2023. Trong đó, Quảng Ninh vẫn dẫn đầu cả nước về thu hút FDI, với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 3,11 tỷ USD, chiếm gần 10,8% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 42,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo lĩnh vực đầu tư, theo Cục Đầu tư nước ngoài, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 20,97 tỷ USD, chiếm gần 72,71% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 40,2% so với cùng kỳ. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư hơn 2,87 tỷ USD, chiếm gần 10% tổng vốn đầu tư đăng ký, giảm 31,4% so với cùng kỳ.
Cục Đầu tư nước ngoài nhận định, vốn đầu tư thực hiện của các dự án FDI tiếp tục tăng so với cùng kỳ (2,9%) và so với 10 tháng đầu năm (0,5 điểm phần trăm). Sự đồng hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương trong việc chủ động tiếp cận, nắm bắt, tháo gỡ những điểm nghẽn, rào cản pháp lý đang cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp đã giúp doanh nghiệp ổn định và cải thiện sản xuất kinh doanh.
Xét theo lĩnh vực đầu tư, báo cáo cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất với hơn 280,5 tỷ USD (chiếm 60,7% tổng vốn đầu tư). Tiếp theo là các ngành kinh doanh bất động sản với hơn 67,6 tỷ USD (chiếm 14,6% tổng vốn đầu tư); sản xuất, phân phối điện với gần 38,6 tỷ USD (chiếm 8,3% tổng vốn đầu tư).
Xét theo địa bàn đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã có mặt ở tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó TP Hồ Chí Minh là địa phương dẫn đầu trong thu hút FDI với hơn 57,25 tỷ USD (chiếm gần 12,4% tổng vốn đầu tư); tiếp theo là Bình Dương với hơn 40,3 tỷ USD (chiếm 8,7% tổng vốn đầu tư); Hà Nội với hơn 39,58 tỷ USD (chiếm gần 8,6% tổng vốn đầu tư).