SPECIAL

Sinh viên mới ra trường đối mặt áp lực tài chính dịp Tết

MCS- Tết không chỉ là mùa đoàn viên mà còn là thời điểm khiến nhiều sinh viên mới ra trường cảm thấy áp lực. Với mức lương khởi điểm thấp và chi phí sinh hoạt cao, nhiều bạn trẻ đang chật vật xoay xở để cân đối tài chính, chuẩn bị cho một cái Tết trọn vẹn.

Khi rời giảng đường đại học, sinh viên mới ra trường phải đối mặt với hàng loạt thách thức trong cuộc sống tự lập, đặc biệt là vấn đề tài chính. Dịp Tết vốn được coi là khoảng thời gian ý nghĩa nhất trong năm lại trở thành nỗi lo lớn khi họ phải cân đối giữa chi tiêu cá nhân, quà Tết cho gia đình, và những kỳ vọng xã hội.

Những khó khăn chồng chất về tài chính.
Những khó khăn chồng chất về tài chính.

Ra trường chưa đầy một năm, Thu Huyền (SN 2002, Hà Nội) đang trải qua những ngày tháng đầy thử thách khi tự lo liệu mọi khoản chi tiêu. Với mức lương khởi điểm chỉ đủ trang trải sinh hoạt cơ bản, Huyền chia sẻ rằng dịp Tết là khoảng thời gian đầy áp lực tài chính.

“Mình ngồi tính toán chi tiết cho từng khoản chi, từ tiền nhà, tiền ăn đến quà Tết, và nhận ra số tiền này gần bằng cả tháng lương. Để tiết kiệm, mình quyết định không mua đồ mới, hạn chế đi ăn ngoài và cắt giảm tối đa các chi phí không cần thiết” Huyền tâm sự.

Không chỉ Huyền, nhiều bạn trẻ khác cũng đang phải “thắt lưng buộc bụng” để vượt qua giai đoạn khó khăn này. Áp lực từ gia đình, xã hội và mong muốn làm tròn trách nhiệm con cái khiến họ không khỏi chạnh lòng khi so sánh bản thân với bạn bè đồng trang lứa.

Đức Duy (SN 2001, Hà Nội) chia sẻ rằng năm ngoái, cậu đã có một cái Tết đầy ám ảnh khi phải đối mặt với hàng loạt câu hỏi từ họ hàng. “Ai cũng hỏi lương tháng bao nhiêu, tiết kiệm được gì, và so sánh mình với người khác. Áp lực đó khiến mình cảm thấy tủi thân và không muốn về nhà,” Duy kể.

Lựa chọn làm thêm để cải thiện thu nhập.
Lựa chọn làm thêm để cải thiện thu nhập.

Trước áp lực tài chính ngày Tết, nhiều bạn trẻ chọn cách làm thêm để tăng thu nhập. Hồng Thảo (SN 2002, Hà Nội) hiện đang làm việc tại một trung tâm ôn thi và tranh thủ thời gian rảnh để làm thêm tại quán cafe vào buổi tối.

“Mỗi tối, mình làm khoảng 3 tiếng và kiếm được 100 nghìn đồng. Dù công việc khá mệt, nhưng mình tự nhủ phải cố gắng để có thêm khoản tiết kiệm dành cho gia đình dịp Tết,” Thảo chia sẻ.

Tương tự, Đức Duy quyết định nán lại thành phố làm thêm đến tận 27 Tết để tận dụng mức lương thời vụ cao. Buổi tối, cậu tranh thủ bán hoa tại chợ đêm và kiếm được thu nhập kha khá. Duy cho rằng, đây là cơ hội tốt để cải thiện tài chính, đồng thời giảm bớt áp lực khi đối mặt với câu hỏi từ gia đình.

“Dù bận rộn, mình cảm thấy vui vì có thể tự lo liệu cho bản thân và phụ giúp bố mẹ. Điều đó khiến mình tự tin hơn khi trở về quê đón Tết” Duy nói thêm.

Nỗi lo tài chính hay sự kỳ vọng từ gia đình?
Nỗi lo tài chính hay sự kỳ vọng từ gia đình?

Không chỉ gặp khó khăn trong việc chi tiêu, nhiều bạn trẻ còn phải đối mặt với những kỳ vọng lớn từ gia đình. Một bài đăng trên mạng xã hội Thread cuối năm 2024 đã thu hút sự chú ý khi chia sẻ nỗi sợ Tết của sinh viên mới ra trường.

“Chưa bao giờ mình sợ Tết như bây giờ. Mỗi lần về nhà, bố mẹ lại hỏi khi nào tăng lương, cô chú thì so sánh với người khác. Điều đó khiến mình cảm thấy áp lực khủng khiếp,” chủ nhân bài đăng viết.

Bài viết nhanh chóng nhận được hàng nghìn lượt bình luận, đồng cảm từ nhiều bạn trẻ. Một số người chia sẻ rằng họ thậm chí không muốn về nhà vì sợ những câu hỏi như “lương được bao nhiêu” hay “bao giờ mua nhà”.

Tuy nhiên, bên cạnh những lo lắng về tài chính, một số bình luận khác lại cho rằng điều quan trọng nhất là tận hưởng thời gian bên gia đình. “Cha mẹ luôn mong con cái sum họp, khỏe mạnh. Nếu không đủ tài chính, chỉ cần về nhà và dành thời gian bên bố mẹ là đã đủ ý nghĩa,” một cư dân mạng chia sẻ.

Làm sao để vượt qua áp lực tài chính dịp Tết?
Làm sao để vượt qua áp lực tài chính dịp Tết?

Trước những áp lực này, nhiều bạn trẻ đã tìm ra cách để cân bằng giữa tài chính và trách nhiệm với gia đình. Việc lên kế hoạch chi tiêu hợp lý, tìm kiếm công việc làm thêm phù hợp và thẳng thắn trao đổi với bố mẹ về tình hình tài chính là những giải pháp được nhiều người áp dụng.

“Mình nghĩ rằng, cha mẹ không thực sự cần quà cáp đắt tiền. Điều họ muốn là sự quan tâm chân thành từ con cái. Nếu không đủ điều kiện kinh tế, mình có thể góp sức vào việc nhà, phụ giúp bố mẹ chuẩn bị Tết” Thu Huyền chia sẻ.

Dù áp lực tài chính là không thể tránh khỏi, nhưng với sự nỗ lực và tình yêu thương gia đình, nhiều bạn trẻ đã vượt qua khó khăn để có một cái Tết ý nghĩa và trọn vẹn hơn.