Trong các dịp Tết gần đây, trang phục du xuân dường thêm rực rỡ với bao chiếc áo bà ba được người dân trên mọi miền tổ quốc, kể cả kiều bào, cả nhiều người nổi tiếng, doanh nhân chọn mặc. Sự ưa chuộng này cho thấy “hào quang” trở lại với loại trang phục truyền thống được nhận định hài hoà giữa sự mực thước trang trọng và bình dị phóng khoáng, như nhà văn Sơn Nam từng mô tả: “Kiểu quần áo bà ba là tiện lợi nhứt, đồng thời quần áo bà ba cũng tiêu biểu cho sự trang nghiêm trong giới trung lưu… Áo bà ba gọn gàng, cởi ra mặc vào dễ dàng, giúp con người đi đứng khoan thai, ít câu thúc.”
Quả vậy, phát triển từ đời sống bình dị người Việt từ thế kỷ XIX, chiếc áo bà ba mang phom áo suông, không cổ, xẻ tà hai bên tạo sự thoải mái, phù hợp cả nam lẫn nữ, người già người trẻ. Áo bà ba sở hữu tính linh hoạt cao, tương thích hoàn hảo với đa dạng loại hình hoạt động tuỳ theo cách phối hợp chất liệu, hoạ tiết. Ngày thường, áo bà ba vải đũi, linen được chị tiểu thương ưa mặc. Dịp Tết, cạnh đoá mai vàng, khóm cúc thắm, những chiếc áo bà ba gấm, lụa tơ tằm họa tiết đặc sắc như hoa văn thọ dơi, hoa lá đa dạng… nổi bật muôn phần với sự sang trọng, tinh tế. Nhờ sự cân bằng giữa tính tiện dụng và tính thẩm mỹ ấy, ta dễ dàng bắt gặp trong cùng chiếc áo bà ba, chị em vừa nô nức lễ chùa, du xuân, rồi lại tháo vát bày dọn mâm cỗ, gói bánh chưng bánh tét, hay nam nhân trước nghiêm trang cúng bái, sau khoan thai trà nước, cờ tướng… mấy ngày xuân.
Áo bà ba, hơn thế còn thầm nhắc về bài học lễ nghĩa, gia phong trong nếp nhà. Như năm chiếc cúc là tượng trưng cho năm đức tính của con người: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Chiếc cúc áo trên cùng đại diện cho chữ Nhân, ý răn dạy sống phải giữ chữ nhân, bởi thiếu đi ắt thành kẻ độc ác. Chiếc thứ hai đại diện cho chữ Nghĩa, thể hiện sự ngay thẳng, trung thực, nếu thiếu đi ắt thành kẻ bội bạc. Cứ thế mỗi nút áo chuyên chở lời răn dạy đáng trân trọng, đặc biệt trong khắc khởi đầu như dịp Tết cổ truyền.
Hơn 10 năm gắn bó với áo bà ba, nhà thiết kế Mi Trang, nhà sáng lập dự án Tôi Yêu Áo Bà Ba phân tích thêm: “Việc cách tân chiếc áo bà ba để phù hợp với bối cảnh hiện đại là cần thiết, giai đoạn 2 của dự án chúng tôi sẽ triển khai.Tuy nhiên, khi còn rất nhiều người lầm tưởng áo bà ba với nhiều loại áo khác thì chúng ta nên chậm lại chăm chút cho chiếc áo bà ba đậm nét hơn, để chiếc áo truyền thống của dân tộc được người Việt hiểu rõ từng chi tiết, từng ý nghĩa trong nếp áo ấy. Đó là lý do tôi muốn các hoạt động ban đầu của dự án tập trung vào việc lan tỏa nếp áo chuẩn, mọi thiết kế cần phải tôn trọng truyền thống để giữ gìn được ý nghĩa cao đẹp từ thời ông cha. Như tránh việc may liền thân trước kết nút giả, mất đi những ý tứ của nếp áo, vì nếp áo tượng trưng cho nếp nhà, nếp văn hóa. Hai thân trước kết dính bằng 5 nút áo, bên dưới là nẹp hò (yếm tâm) để bảo vệ tránh hở hang; khi cài nút, người mặc phải từ tốn, khoan thai vừa bấm vừa kéo thì áo mới thẳng, cũng như trong gia đình, luôn phải bền bỉ vun đắp, nâng đỡ thì nếp nhà mới yên ấm, vững chãi. Đây cũng là nét đặc trưng đặc sắc của chiếc áo, có cách tân chúng ta cũng nên gìn giữ để nếp áo có được hồn cốt vốn dĩ đã được bồi đắp bao đời.”
Trong hành trình đánh thức giá trị để áo bà ba rực rỡ trên phố phường như hiện nay, chị Mi Trang và dự án Tôi Yêu Áo Bà Ba đã góp phần không nhỏ. Thông qua chuỗi hoạt động toạ đàm, cuộc thi Design Contest Áo Bà Ba đang tổ chức, bộ sưu tập ấn tượng, sự đồng hành của các đại sứ hiện là doanh nhân – hoa hậu nhân ái Phạm Thị Thu An, chuyên gia văn hoá như kỷ lục gia Huỳnh Minh Hiệp – Phó Chánh Văn phòng Trung Tâm Unesco nghiên cứu bảo tồn cổ vật Việt Nam, á hậu Nguyễn Cẩm Vân, dự án chia sẻ kiến thức chuẩn, tháo mác “quê mùa” cho áo bà ba suốt 10 năm qua. Trước thềm xuân Ất Tỵ, nhà thiết kế Mi Trang cùng các đại sứ gửi đến mọi người những hình ảnh duyên dáng, đằm thắm, xinh tươi, thoải mái trong trang phục áo bà ba, lan toả thông điệp “Tết đẹp cùng áo bà ba”, cùng nhau tô đậm thêm nếp văn hóa của ngày tết cổ truyền dân tộc.
Gắn bó suốt chiều dài lịch sử từ kháng chiến chống Pháp đến giai đoạn canh tân, hiện đại hoá đất nước, áo bà ba hội đủ yếu tố trở thành biểu tượng văn hoá dân tộc ở thời đại mới. Với sự quan tâm của thế hệ trẻ, nỗ lực thực tế từ các dự án như Tôi Yêu Áo Bà Ba, chúng ta cũng kỳ vọng chiếc áo dung dị hồn hậu này sẽ dần tìm lại “vị thế” xứng đáng, không chỉ trong dịp Tết của dân tộc, mà còn trong đời sống thường nhật để góp phần dựng xây hình ảnh đất nước Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc, giàu đẹp giá trị truyền thống. Không những thế, nhà thiết kế Mi Trang dành rất nhiều tâm huyết cho các hoạt động sắp tới của dự án với mong muốn góp phần thúc đẩy kinh tế du lịch cho đất nước.