Jellycat không còn là thương hiệu dành riêng cho trẻ nhỏ mà đã trở thành một biểu tượng trong cộng đồng Gen Z. Sự bùng nổ của thương hiệu này có thể thấy rõ qua mạng xã hội, nơi hàng loạt video khoe bộ sưu tập Jellycat đạt hàng triệu lượt xem trên TikTok.
Theo công cụ theo dõi xu hướng Glimpse, sự quan tâm đến Jellycat đã tăng 171% chỉ trong một năm, phần lớn đến từ làn sóng yêu thích của Gen Z. Họ không chỉ xem đây là một món đồ chơi mà còn là phụ kiện trang trí, vật phẩm sưu tầm và một phần thể hiện phong cách cá nhân.

Tại Mỹ, doanh số của Jellycat trong nửa đầu năm 2023 đã tăng 41%, cao hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng chung của thị trường thú nhồi bông chỉ ở mức 2%. Từ năm 2013 đến 2022, doanh thu toàn cầu của Jellycat đã tăng gấp 8 lần, từ 7 triệu USD lên 57 triệu USD, trước khi đạt mốc 252 triệu USD vào năm 2023.
Không chỉ là một xu hướng nhất thời, Jellycat đang chứng minh sức hút bền vững khi liên tục thu hút người mua mới, trong đó không ít khách hàng là người lớn sẵn sàng chi tiền cho sở thích sưu tầm đồ chơi.

Jellycat không đơn thuần là một món đồ chơi mà đã trở thành một cách để xoa dịu tinh thần. Với thiết kế dễ thương, chất liệu siêu mềm, chúng mang lại cảm giác an ủi, đặc biệt sau thời kỳ giãn cách xã hội.
Theo Jennifer Lynch, chuyên gia truyền thông tại Hiệp hội Đồ chơi Mỹ, “Đại dịch đã thay đổi cách chúng ta nhìn nhận về đồ chơi. Thú nhồi bông không còn chỉ dành cho trẻ em, mà trở thành món đồ được yêu thích bởi những người lớn tìm kiếm sự thoải mái”.

Jellycat không ngừng làm mới sản phẩm bằng cách liên tục ra mắt phiên bản giới hạn và ngừng sản xuất các mẫu cũ, tạo nên một hiệu ứng săn lùng trong cộng đồng sưu tầm.
Những thiết kế độc đáo như bánh mì bông, củ cải bông hay chú vịt cầm túi xách nhanh chóng trở thành hiện tượng trên TikTok, làm gia tăng nhu cầu mua sắm.
Thành công của Jellycat cũng đặt ra câu hỏi: Liệu những thương hiệu đồ chơi khác có thể tái lập kỳ tích này?
Theo Jared Watson, phó giáo sư marketing tại NYU Stern (Mỹ), Jellycat thành công một phần nhờ vào thời điểm may mắn – khi đại dịch khiến nhiều người tìm đến những món đồ mang lại cảm giác thoải mái.
Tuy nhiên, các thương hiệu khác cũng đang học theo chiến lược này. Pokémon gần đây đã phát hành lại bộ thẻ bài gốc, khai thác yếu tố hoài niệm giống như cách Jellycat đánh vào nhu cầu tìm kiếm sự an ủi của Gen Z.

Theo chuyên gia Bia Bezamat, các thương hiệu mới có nhiều cơ hội hơn trong việc tạo ra những trào lưu tương tự, vì họ không bị ràng buộc bởi mô hình kinh doanh cũ. Nhưng thách thức lớn nhất vẫn là làm thế nào để duy trì sức hút lâu dài, thay vì chỉ trở thành một xu hướng nhất thời trên TikTok.
Dù thế nào, Jellycat đã chứng minh rằng thú nhồi bông không còn chỉ là đồ chơi, mà đã trở thành một phần của phong cách sống. Và với đà tăng trưởng mạnh mẽ, thương hiệu này hứa hẹn sẽ tiếp tục làm mưa làm gió trên thị trường đồ chơi toàn cầu trong thời gian tới.