Bandana trở thành dấu ấn fandom
Văn hóa sử dụng bandana trong cộng đồng fan hâm mộ không còn xa lạ. Đặc biệt, trong các chương trình Anh Trai, Chị Đẹp, các fanclub đã sáng tạo nên những mẫu bandana mang dấu ấn riêng của thần tượng. Không chỉ là một phụ kiện thời trang, bandana trở thành một dấu hiệu nhận diện ngầm, giúp các thành viên FC dễ dàng nhận ra nhau giữa đám đông.

Nhiều nghệ sĩ cũng đã tận dụng xu hướng này để phát hành bandana chính thức, biến chúng thành một phần của merchandise (hàng lưu niệm). Bên cạnh đó, không ít fan tự tay thiết kế, in ấn bandana theo phong cách “fan-made”, tạo ra những mẫu khăn độc quyền, mang đậm dấu ấn cá nhân.
Trên các nền tảng mạng xã hội, bandana trở thành một trào lưu với hàng loạt video hướng dẫn cách thắt khăn sáng tạo, phối đồ cùng bandana theo nhiều phong cách khác nhau. Với mức giá dao động từ 50.000 – 100.000 đồng, bandana không chỉ dễ mua mà còn có tính ứng dụng cao, phù hợp với nhiều outfit từ năng động đến cá tính.

Thậm chí, bandana còn được sử dụng cho các dự án kêu gọi bình chọn cho nghệ sĩ, gây quỹ fandom hoặc lan tỏa hình ảnh thần tượng một cách tự nhiên. Đây cũng chính là lý do khiến từ khóa “bandana” viral mạnh mẽ, trở thành một trong những phụ kiện hot nhất trong cộng đồng fan.
Tranh cãi về việc “gom in” và vấn đề giá cả
Mặc dù xu hướng bandana fandom được đông đảo người hâm mộ hưởng ứng, nhưng cũng kéo theo không ít tranh cãi. Một số fan lo ngại rằng nhiều thiết kế khăn chưa được đầu tư chỉn chu, thậm chí có trường hợp sử dụng hình ảnh và tên thần tượng mà không có sự cho phép.
Bên cạnh đó, vấn đề giá cả cũng là chủ đề gây tranh cãi. Một số mẫu bandana bị “thổi giá” quá cao, có fan còn phàn nàn rằng số tiền mua khăn có thể bằng nửa chiếc vé concert.

Tuy nhiên, những người từng tham gia gom in bandana fan-made lại có góc nhìn khác. Một fan chia sẻ trên mạng xã hội:
“Tôi từng lỗ 5 triệu đồng chỉ vì đổi xưởng và chọn vải. Tiền in thử tốn tầm 1 triệu đồng, chưa kể bao bì, đóng gói và giao hàng. Nếu không gom đủ số lượng, khả năng lỗ là rất cao.”
Lời chia sẻ này nhanh chóng nhận được sự đồng cảm từ cộng đồng mạng. Nhiều người cho rằng việc chọn vải, thử màu, in ấn và vận chuyển đều tiêu tốn khá nhiều chi phí. Điều này khiến việc định giá bandana fan-made trở thành một bài toán khó, không hẳn chỉ là vấn đề “thổi giá” mà còn phụ thuộc vào chất lượng sản phẩm và công sức của người tổ chức gom in.
Dẫu còn nhiều tranh cãi, không thể phủ nhận rằng bandana fandom đang trở thành một phần quan trọng trong văn hóa thần tượng. Sự phổ biến của phụ kiện này không chỉ giúp cộng đồng fan gắn kết hơn mà còn góp phần lan tỏa hình ảnh nghệ sĩ một cách sáng tạo và gần gũi.