Sự Kiện

Đề thi “bao đỏ” khiến thí sinh IELTS hoang mang

MCS- Thí sinh IELTS ngày 22/2 hoang mang khi đề thi bất ngờ được thay đổi sang “bao đỏ”. Tin đồn gian lận xuất hiện, nhưng thực hư thế nào? “Bao đỏ” có thực sự khó hơn hay chỉ là một bộ đề dự phòng như nhiều chuyên gia khẳng định?

Ngày 22/2, kỳ thi IELTS trên giấy tại Việt Nam bất ngờ trở thành chủ đề nóng trên nhiều hội nhóm luyện thi khi toàn bộ đề thi Listening, Reading, Writing được rút từ “bao đỏ” thay vì “bao xanh” như thường lệ. Điều này làm dấy lên lo ngại về độ khó của đề thi cũng như nghi vấn có gian lận trong kỳ thi lần này.

Đề thi “bao đỏ” khiến thí sinh IELTS hoang mang.
Sự kiện gây xôn xao cộng đồng luyện thi IELTS.

Trên Facebook, Threads, TikTok, nhiều thí sinh bày tỏ sự hoang mang, cho rằng đề thi từ “bao đỏ” khó hơn đáng kể so với đề thông thường. Một số giả thuyết được lan truyền rộng rãi, phổ biến nhất là việc có thí sinh mua trước đề thi, khiến đơn vị tổ chức phải thay đổi đề vào phút chót. Tuy nhiên, hiện tại, British Council (BC), IDP và Cambridge vẫn chưa đưa ra xác nhận chính thức nào về nguyên nhân thay đổi đề thi trong đợt này.

Dù chưa có kết luận rõ ràng, sự kiện này đã khiến nhiều thí sinh lo lắng, nhất là những người sắp bước vào kỳ thi IELTS trong thời gian tới.

Nhiều thí sinh bày tỏ sự lo lắng, cho rằng đề thi trong “bao đỏ” có độ khó cao hơn bình thường.
Nhiều thí sinh bày tỏ sự lo lắng, cho rằng đề thi trong “bao đỏ” có độ khó cao hơn bình thường.

Theo Cường Ngô, admin nhóm Review trung tâm IELTS, tiếng Anh Việt Nam & tự học IELTS 8.0, đồng thời là chủ trung tâm THE IELTS LIBRARY, các bộ đề IELTS trên giấy thường được chia thành hai nhóm chính:

“Bao xanh”: Bộ đề thi chính thức, được sử dụng cho các kỳ thi theo lịch cố định.

“Bao đỏ”: Bộ đề dự phòng, chỉ được sử dụng khi có dấu hiệu gian lận hoặc vấn đề phát sinh trong quá trình tổ chức thi.

Tại Đông Nam Á, các thí sinh thường thi chung một bộ đề. Tuy nhiên, trong những trường hợp đặc biệt như nghi ngờ có rò rỉ đề hoặc gian lận, đơn vị tổ chức có quyền hủy đề thi chính thức và thay thế bằng bộ đề dự phòng trong “bao đỏ” để đảm bảo công bằng.

“Bao đỏ” và cơ chế bảo mật trong kỳ thi IELTS.
“Bao đỏ” và cơ chế bảo mật trong kỳ thi IELTS.

Ngoài việc đổi đề thi, đơn vị tổ chức có thể áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm như:

Giam điểm thi từ 1 – 6 tháng để kiểm tra tính trung thực.

Cấm thi IELTS trong 2 năm đối với thí sinh có hành vi gian lận.

Hạ điểm trực tiếp nếu giám khảo phát hiện bài thi Writing hoặc Speaking có dấu hiệu học thuộc lòng.

Với cơ chế bảo mật chặt chẽ này, việc sử dụng đề thi dự phòng không chỉ giúp đảm bảo tính công bằng của kỳ thi mà còn bảo vệ uy tín của chứng chỉ IELTS trên toàn cầu.