Thông tin từ Bộ Công Thương cho biết, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất công nghiệp của Việt Nam trong tháng 7/2024 đạt 54,7 điểm, là mức cao nhất kể từ tháng 11/2018 đến nay. Sản lượng tăng mạnh do số đơn đặt hàng mới đã tốt lên tháng thứ 4 liên tiếp. Theo S&P Global, tốc độ tăng sản lượng sản xuất tháng 7 đã nhanh hơn so với tháng 6 và đạt mức cao nhất kể từ tháng 3/2011.
Do vậy, sản xuất công nghiệp duy trì đà tăng trưởng tích cực, ước tính chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 7 tăng 0,7% so với tháng trước và tăng tới 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, so với cùng kỳ năm trước, ngành chế biến, chế tạo tăng 13,3%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 9,9%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 12,1%; riêng ngành khai khoáng giảm 7,0%. Đặc biệt, sản xuất tháng 7 của đầu tàu kinh tế TP Hồ Chí Minh cho thấy sự hồi phục ở cả ba chỉ số là IIP tăng 9,6%, tiêu thụ chế biến – chế tạo thêm 13,4% và tồn kho giảm 17,8%.
Tính chung 7 tháng năm 2024, IIP ước tính tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 0,8%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,5% (cùng kỳ năm 2023 giảm 1,2%); ngành sản xuất và phân phối điện tăng 12,4% (cùng kỳ năm 2023 tăng 1,4%); ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,2% (cùng kỳ năm 2023 tăng 5,2%); riêng ngành khai khoáng giảm 6,2% (cùng kỳ năm 2023 giảm 2,0%).
Chỉ số sản xuất 7 tháng năm 2024 của một số ngành công nghiệp trọng điểm cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 28,7%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 21,5%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 17,3%; khai thác quặng kim loại tăng 15,0%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 13,0%; sản xuất kim loại tăng 12,8%; sản xuất thiết bị điện tăng 12,5%; dệt và sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí cùng tăng 12,4%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 11,1%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 7,4%.
Ở chiều ngược lại, chỉ số IIP của một số ngành giảm: Khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 12,4%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị giảm 2,9%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 1,8%; khai thác than cứng và than non giảm 1,3%.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực trong 7 tháng năm 2024 tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Thép thanh, thép góc tăng 31,4%; thép cán tăng 17,8%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 17,0%; phân hỗn hợp NPK tăng 14,2%; sữa bột tăng 12,3%; đường kính tăng 12,0%; linh kiện điện thoại tăng 11,7%.
Ngược lại, một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước: Khí đốt thiên nhiên dạng khí và khí hóa lỏng LPG cùng giảm 16,9%; dầu mỏ thô khai thác giảm 7,1%; bia giảm 3,8%; điện thoại di động giảm 3,2%; alumin giảm 3,1%; sắt, thép thô giảm 1,6%.
Sản xuất công nghiệp tăng trên diện rộng, chỉ số sản xuất công nghiệp 7 tháng năm 2024 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 03 địa phương trên cả nước. Một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao: địa phương có chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 7 tháng năm 2024 so với cùng kỳ năm trước tăng cao là: Lai Châu tăng 43,1%; Phú Thọ tăng 38,4%; Bắc Giang tăng 27,5%; Bình Phước tăng 17,1%; Thanh Hóa tăng 15,1%; Điện Biên tăng 8,8%. Địa phương có chỉ số của ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao: Khánh Hòa tăng 258,5%; Lai Châu tăng 66,4%; Cao Bằng tăng 62,1%; Điện Biên tăng 51,8%; Sơn La tăng 35,2%; Thanh Hóa tăng 33,0%; Phú Thọ tăng 15,3%.
Ở chiều ngược lại, một số địa phương có chỉ số IIP giảm do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành khai khoáng và ngành sản xuất, phân phối điện tăng thấp hoặc giảm: địa phương có chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bảy tháng năm 2024 so với cùng kỳ năm trước tăng thấp hoặc giảm là: Cà Mau tăng 1,5%; Gia Lai tăng 0,3%; Hà Tĩnh giảm 8,0%; Quảng Ngãi giảm 4,2%; địa phương có chỉ số của ngành sản xuất và phân phối điện 7 tháng năm 2024 so với cùng kỳ năm trước tăng thấp hoặc giảm: Quảng Trị tăng 1,7%; Quảng Ngãi giảm 16,9%; Thừa Thiên – Huế giảm 16,1%; Lạng Sơn giảm 15,5%; Lâm Đồng giảm 5,6%; Gia Lai giảm 3,6%; địa phương có chỉ số sản xuất ngành khai khoáng giảm: Bà Rịa – Vũng Tàu giảm 14,3%; Lâm Đồng giảm 8,6%; Quảng Trị giảm 4,7%; Lạng Sơn giảm 3,0%; Thừa Thiên – Huế giảm 1,6%.
Mặt khác, xét trên thị trườn lao động động thì số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/7/2024 tăng 0,9% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 3,3% so với cùng thời điểm năm trước. Trong đó, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp ngành khai khoáng tăng 0,1% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 0,4% so với cùng thời điểm năm trước; ngành chế biến, chế tạo tăng 1,0% và tăng 3,5%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí không đổi so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 1,1% so với cùng thời điểm năm trước; riêng ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 0,1% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 1,2% so với cùng thời điểm năm trước.