Khi một đứa trẻ xuất hiện trên sóng truyền hình quốc dân, mọi biểu cảm dù là nhỏ nhất cũng có thể bị mổ xẻ. Với bé Pam “bản sao mini” của cặp đôi nổi tiếng Salim và Long Hạt Nhài sự chú ý ấy càng lớn. Trong tập 2 của Mẹ Vắng Nhà, Ba Là Siêu Nhân, khi các bé cùng nhau tham gia thử thách, Pam được ghi nhận là hay quấy khóc, không hợp tác, thậm chí được một khán giả gọi là “khó ở”.
Từ một khoảnh khắc truyền hình, tranh luận lập tức nổ ra. Có người cho rằng vợ chồng Salim đang quá chiều con, để bé được “theo ý mình” mọi lúc mọi nơi. Quan điểm này cũng nhấn mạnh rằng trong môi trường tập thể, trẻ cần học cách thích nghi, chứ không thể chỉ xoay quanh cảm xúc cá nhân.

Nhưng mặt khác, hàng loạt netizen đặc biệt là những người đã dõi theo Pam từ những ngày đầu lại có cách nhìn khác. Họ cho rằng Pam vốn là em bé thiên về hướng nội, dễ “khớp” khi thay đổi môi trường và không có gì bất thường khi bé bày tỏ cảm xúc thật giữa khung cảnh lạ lẫm, người lạ và máy quay dày đặc.
Ở độ tuổi hơn 2 giai đoạn được gọi là “mini khủng hoảng”, trẻ bắt đầu hình thành cá tính, nhận thức về bản thân và khả năng thể hiện quan điểm một cách bản năng. Chính Salim cũng từng nói, cô và chồng tôn trọng tiếng nói cá nhân của con, luôn hỏi ý kiến bé trước mỗi tình huống và để Pam tự chọn lựa, kể cả việc có tham gia thử thách hay không.

Nếu nhìn rộng hơn, câu chuyện về bé Pam đang mở ra cuộc đối thoại lớn hơn trong xã hội hiện đại: Liệu trẻ có quyền thể hiện cảm xúc thật cả tích cực lẫn tiêu cực mà không bị phán xét? Và liệu cha mẹ thời nay có sai khi chọn cách đồng hành cùng con bằng sự lắng nghe thay vì áp đặt?
Thật ra, nếu để ý những khoảnh khắc đời thường ngoài máy quay, Pam là cô bé giàu năng lượng, dí dỏm và “nhây” không kém ai khi ở cạnh người thân. Con vừa biết thơm má mẹ bất chợt, vừa thủ thỉ “love you mami”, lại vừa giả bộ giận dỗi để được ba Long dỗ dành. Những cảm xúc ấy quá đỗi chân thật, gần gũi điều mà đôi khi truyền hình thực tế không thể phản ánh đầy đủ trong vài phút ngắn ngủi.

Giữa những bàn tán trái chiều, có lẽ điều đáng chú ý không phải là Pam đang “mè nheo” bao lâu, mà là cách người lớn đang nhìn vào thế giới trẻ thơ qua một lăng kính nhiều kỳ vọng hơn cần thiết. Bởi nếu khán giả yêu mến sự hồn nhiên, thì cũng cần đủ bao dung để chấp nhận cả những khoảnh khắc trẻ “khó ở” như một phần rất thật và rất đẹp trong hành trình trưởng thành.