Diễn ra từ ngày 9–12/4 tại Trung tâm Triển lãm Sài Gòn (SECC), triển lãm SaigonTex 2025 thu hút hơn 1.100 nhà triển lãm từ 25 quốc gia và vùng lãnh thổ như Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ và Việt Nam.
Không chỉ là nơi trưng bày thiết bị, nguyên phụ liệu hay vải vóc, triển lãm lần này thật sự trở thành “kho dữ liệu sống” về xu hướng dệt may thế giới đặc biệt là xu hướng bền vững và xanh hóa chuỗi cung ứng.

Nổi bật giữa dòng sản phẩm hiện đại là các loại sợi Viscose và Lyocell đại diện cho thế hệ vật liệu mới, thân thiện với môi trường, được sản xuất từ nguồn gốc tự nhiên như bột gỗ trồng rừng bền vững, có khả năng phân hủy sinh học, giảm thiểu tối đa tác động đến môi trường.

Không thể không nhắc đến cái tên Asia Pacific Rayon (APR) một trong những nhà tiên phong trong lĩnh vực sợi sinh học. Với gian hàng trưng bày đầy ấn tượng tại SaigonTex 2025, APR giới thiệu chuỗi sản phẩm Viscose và Lyocell được sản xuất theo quy trình khép kín tuần hoàn không phát thải độc hại.
Theo ông Sachin Malik, Giám đốc Thương mại của APR, Việt Nam đang nổi lên như trung tâm sản xuất dệt may xanh của khu vực Đông Nam Á, với nhu cầu sử dụng sợi sinh học tăng nhanh chóng. Ông cho biết: “Chúng tôi nhận thấy một thế hệ người tiêu dùng trẻ đang đòi hỏi tính minh bạch, đạo đức và thân thiện môi trường trong từng sản phẩm họ mặc lên người. Việt Nam đang sẵn sàng cho điều đó”.

Không chỉ là dịp giới thiệu sản phẩm, SaigonTex 2025 còn là “hội trường tương lai” với hàng loạt diễn đàn chuyên sâu, trình diễn công nghệ, thuyết trình sản phẩm và trình diễn thời trang xoay quanh chủ đề chuyển đổi số, phát triển bền vững, tái định vị chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo ông Cao Hữu Hiếu – Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), triển lãm là dịp vàng để doanh nghiệp kết nối, mở rộng thị trường, nắm bắt xu hướng và quan trọng hơn, là lời nhắc nhở về việc ngành cần chuyển đổi mô hình từ “nhiều” sang “tốt”.
Từ góc độ thị trường, các yếu tố như lực lượng lao động lành nghề, chi phí sản xuất cạnh tranh, cùng sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã và đang tạo thế đòn bẩy cho Việt Nam vươn xa. Đặc biệt, các thị trường khó tính như Bắc Mỹ và EU đang trở thành đích đến quen thuộc nhờ khả năng thích ứng nhanh của ngành với tiêu chuẩn quốc tế.
Nếu ví SaigonTex 2025 như một “bức tranh sợi chỉ”, thì mỗi gian hàng là một điểm nhấn nơi những ý tưởng xanh và sáng tạo dần dệt nên một diện mạo mới cho dệt may Việt. Trong bối cảnh thế giới đang thay đổi từng giờ, điều mà ngành dệt may cần không chỉ là những bước đi nhanh mà phải là bước đi đúng.