Chiều 6/6, người dân xã Phong Phú, huyện Bình Chánh phát hiện nhiều thùng thực phẩm chức năng bị đổ rải rác trên khu đất trống cạnh đại lộ Nguyễn Văn Linh. Tại hiện trường, Công an TP.HCM xác định có ít nhất 5 điểm đổ trộm, với hàng trăm sản phẩm được đóng gói nguyên vẹn, nhãn mác đầy đủ và hạn sử dụng còn kéo dài đến năm 2027, 2028.
Ngay sau đó, Công an xã Phong Phú phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Công an TP.HCM tiến hành xác minh, làm rõ chuỗi hành vi liên quan. Qua điều tra ban đầu, cơ quan chức năng mời làm việc đối tượng T.V.C. (34 tuổi, ngụ xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh). C. khai nhận đã được thuê chở số hàng trên và giao cho T.M.L. (32 tuổi, ngụ xã Phong Phú) với thù lao 6,9 triệu đồng.
Tiếp tục xác minh, cơ quan công an xác định L. là người trực tiếp nhận nhiệm vụ tiêu hủy số hàng này. Theo lời khai, L. được thuê đốt toàn bộ lô sản phẩm với giá 7 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra và phát hiện hàng hóa vẫn còn mới và có hạn sử dụng, L. đã không tiêu hủy toàn bộ mà giữ lại phần lớn, chỉ đốt một phần tại hiện trường.
Từ lời khai của L., công an tiếp tục triệu tập N.P.S. (36 tuổi, ngụ Quận 12), là người trực tiếp thuê tiêu hủy số sản phẩm trên. S. thừa nhận mình là giám đốc một công ty chuyên kinh doanh thực phẩm chức năng, chuyên thu mua sản phẩm từ các nhà cung cấp trong nước và đóng gói để bán trên các nền tảng thương mại điện tử.
Theo S., thời gian gần đây, sau khi theo dõi thông tin từ các đợt kiểm tra của cơ quan chức năng đối với mặt hàng thực phẩm chức năng, anh ta lo ngại một số lô hàng của mình có thể nằm trong diện bị kiểm tra hoặc vi phạm. Thay vì phối hợp với đơn vị có chức năng tiêu hủy theo đúng quy trình, S. đã lựa chọn phương án đốt bỏ thủ công để tránh rủi ro pháp lý.

Ghi nhận tại hiện trường, các sản phẩm bị vứt bỏ thuộc nhiều thương hiệu như Silymarin, Pharvita Plus, Maxglu 1500, Arginin, Jollivit, Homramin Ginseng… Các sản phẩm này được quảng bá bổ sung dinh dưỡng cho trẻ em, người già, phụ nữ mang thai hoặc người có bệnh nền. Một số bao bì ghi rõ xuất xứ từ Hà Nội, Thanh Hóa và các tỉnh phía Bắc. Nhiều sản phẩm chứa thành phần cao cấp như tổ yến, nhung hươu, nhân sâm, chùm ngây hoặc nguyên liệu nhập khẩu từ Mỹ.
Dù số lượng sản phẩm chưa được thống kê chính thức, cơ quan công an đã tiến hành niêm phong toàn bộ số hàng còn lại để phục vụ giám định chất lượng và xác minh tính hợp pháp trong nguồn gốc sản xuất, phân phối. Đồng thời, hồ sơ doanh nghiệp liên quan cũng đang được kiểm tra để làm rõ các vấn đề về giấy phép, chứng từ và hóa đơn.

Theo nhận định từ cơ quan chức năng, hành vi tiêu hủy thủ công thực phẩm chức năng tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt khi sản phẩm chưa hết hạn sử dụng và thuộc nhóm hàng liên quan đến sức khỏe người tiêu dùng. Việc đốt bỏ ngoài trời không chỉ gây ảnh hưởng môi trường mà còn gây ra nguy cơ tuồn hàng trở lại thị trường, nếu không được kiểm soát chặt chẽ.
Hiện Công an TP.HCM đang tiếp tục củng cố hồ sơ, làm rõ vai trò của từng cá nhân liên quan để xử lý theo quy định pháp luật, đồng thời mở rộng điều tra đối với các hoạt động kinh doanh và tiêu hủy hàng hóa có dấu hiệu vi phạm.