Ngày 1-8, PGS-TS-BS Nguyễn Huy Thắng, Chủ tịch Hội Đột quỵ TP.HCM, cho biết đến nay, điều trị tái thông (rtPA và lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học) được xem là liệu pháp điều trị mang lại lợi ích rất lớn cho các bệnh nhân đột quỵ.
“Tuy vậy, ngay cả tại những nước phát triển, tỷ lệ bệnh nhân hưởng lợi từ phương pháp này là khá khiêm tốn” – BS Thắng nói.
Theo Chủ tịch Hội Đột quỵ TP.HCM, việc thành lập các đơn vị đột quỵ, với đội ngũ thầy thuốc và điều dưỡng đào tạo chuyên biệt, được xem là chiến lược mang lại lợi ích cho cộng đồng lớn nhất tại nhiều quốc gia.
Đặc biệt, với yêu cầu điều trị càng sớm càng tốt trong những cửa sổ vàng, số lượng các đơn vị đột quỵ cần đạt được con số cần thiết theo khoảng cách địa lý, nhằm đảm bảo bệnh nhân có thể đến được đơn vị đột quỵ trong 60 phút sau khi khởi phát.
BS Thắng cho biết thêm, cách đây 11 năm, ước tính tại Hoa kỳ có khoảng 20% bệnh nhân đột quỵ không thể đến được đơn vị đột quỵ gần nhất trong vòng 60 phút.
Tại hội nghị Đột quỵ Hoa kỳ năm 2022, con số này chỉ còn 4%, ước tính có đến 96% bệnh nhân đột quỵ đã có thể được điều trị kịp thời trong 60 phút đầu tiên. Chưa kể đến việc, tại các TP lớn có “Mobile Stroke Unit” (mô hình xe cứu thương đột quỵ lưu động), thời gian điều trị có thể được rút ngắn đáng kể.
Để đạt được điều này, tính đến năm 2020, đã có gần 3.000 đơn vị đột quỵ được thành lập tại Hoa Kỳ. Với con số ước tính gần 800.000 ca đột quỵ mỗi năm, tính ra chưa đến 300 bệnh nhân/năm/một đơn vị đột quỵ.
BS Thắng cũng cho hay, theo bản đồ đột quỵ thế giới, Việt Nam thuộc nhóm những quốc gia có nguy cơ đột quỵ cao nhất, với tỷ lệ ước tính khoảng >218/100.000 dân. Với dân số gần 100 triệu, số ca đột quỵ sẽ trên 200.000 ca/năm. Dù vậy, nhìn vào số lượng đơn vị điều trị đột quỵ tại Việt Nam hiện tại rất đáng báo động.
Tại Việt Nam, đơn vị đột quỵ đầu tiên bắt đầu tại BV Nhân dân 115 vào năm 2005. Với sự hỗ trợ của Hội Đột quỵ và Angels team, sau 18 năm, đến nay đã có 110 đơn vị đột quỵ (hoặc trung tâm đột quỵ) được thành lập trên toàn quốc.
Dù vậy, BS Thắng nhận định phần lớn các đơn vị đột quỵ tập trung tại những TP lớn như Hồ Chí Minh hoặc Hà Nội. Còn khá nhiều tỉnh thành lớn tại ba miền cho đến nay vẫn chưa có đơn vị đột quỵ. Hậu quả là, khá nhiều bệnh nhân từ các tỉnh phải mất vài tiếng mới có thể tiếp cận được trung tâm đột quỵ gần nhất.
Tính ra, tại Việt Nam hiện nay, cứ một đơn vị đột quỵ phải phụ trách cho trên 2.000 bệnh nhân/năm. Trong khi theo khuyến cáo, điều kiện lý tưởng là 500 bệnh nhân/1 đơn vị đột quỵ.
“Điều đó có nghĩa chúng ta sẽ cần 400 đơn vị đột quỵ (cho 200.000 ca) trong những năm tới. Chí ít cũng phải 200, để đạt con số 1.000 bệnh nhân/năm/1 đơn vị đột quỵ. Hy vọng trong 8 năm tới sẽ đạt được con số 200 đơn vị đột quỵ” – BS Thắng bày tỏ hy vọng.