Đời Sống

Chanh rớt giá không phanh, nông dân Tiền Giang có nguy cơ mất trắng

MCS- Chanh từng là loại cây trồng giúp nông dân Tiền Giang có thu nhập ổn định, nhưng hiện nay giá bán chỉ còn 2.000 đồng/kg, đẩy nhiều nhà vườn vào cảnh lao đao. Việc nguồn cung dồi dào nhưng sức mua yếu khiến bà con phải đối mặt với một mùa vụ đầy thách thức.

Chanh rớt giá kỷ lục, nông dân thua lỗ nặng

Nhiều hộ trồng chanh tại Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phước (Tiền Giang) đang gặp khó khăn khi giá bán giảm sâu trong thời gian dài. Trước đây, giá chanh dao động 6.000 – 10.000 đồng/kg, nhưng nay thương lái thu mua chỉ còn 2.000 đồng/kg, thậm chí có lúc chỉ 1.500 đồng/kg.

Anh Phạm Văn Rô, một nông dân tại xã Hậu Mỹ Trinh, huyện Cái Bè cho biết vụ chanh năm nay khiến gia đình anh gần như không có lời. “Công chăm sóc cả năm mà bán không đủ trả chi phí. Chanh để lâu thì vàng, không ai mua thì phải hái bỏ. Trước còn có thương lái vào thu mua đều đặn, giờ thì họ cũng chê giá thấp, không muốn lấy hàng”, anh Rô nói.

Giá chanh lao dốc không phanh, khiến nhiều nông dân không còn động lực thu hoạch.
Giá chanh lao dốc không phanh, khiến nhiều nông dân không còn động lực thu hoạch.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra với anh Huỳnh Thanh Nhã ở xã Hậu Thành, người đang sở hữu 3 công chanh. Dù anh cố gắng bán chanh ra chợ với giá 3.000 đồng/kg, nhưng số tiền thu về vẫn không đủ bù chi phí chăm sóc và thuê nhân công.

“Tiền công hái đã gần bằng tiền bán chanh. Giờ bỏ vườn thì tiếc mà thu hoạch cũng không còn lời. Nếu giá tiếp tục thấp thế này, chắc tôi phải chuyển sang trồng cây khác”, anh Nhã chia sẻ.

Giải pháp nào cho nhà vườn trước tình trạng cung vượt cầu?

Nguyên nhân giá chanh giảm mạnh chủ yếu do nguồn cung vượt quá nhu cầu tiêu thụ, trong khi thị trường xuất khẩu chưa thực sự mở rộng. Trước đây, chanh bông tím từng có thời điểm đạt 20.000 đồng/kg, khiến nhiều hộ dân mở rộng diện tích trồng. Nhưng khi lượng chanh tăng cao, giá thành lại lao dốc do không có kế hoạch điều tiết hợp lý.

Theo các chuyên gia nông nghiệp, giá chanh giảm mạnh xuất phát từ nhiều yếu tố.
Theo các chuyên gia nông nghiệp, giá chanh giảm mạnh xuất phát từ nhiều yếu tố.

Bên cạnh đó, giá vật tư nông nghiệp và nhân công tăng mạnh, khiến lợi nhuận của nông dân ngày càng bị thu hẹp. Trong bối cảnh này, nhiều hộ đã bắt đầu tính đến phương án trồng xen canh với các loại cây ăn trái khác hoặc tìm đầu ra mới qua các hợp tác xã nông nghiệp.

Với diện tích trồng chanh thương phẩm lên tới 5.000 ha, Tiền Giang đang rất cần các giải pháp dài hạn như liên kết với doanh nghiệp chế biến, mở rộng kênh xuất khẩu để đảm bảo đầu ra ổn định, tránh tình trạng giá cả bấp bênh như hiện tại.