“Giữ tiền” trước khi “kiếm tiền”
Đầu tư chứng khoán vào giữa năm 2020 – thời điểm thị trường bắt đầu giai đoạn tăng trưởng “nóng” về chỉ số và thanh khoản, ông Nguyễn Quang Hoà (Hà Nội) trải qua gần hai năm “cứ mua là thắng”, với giá trị tài sản chứng khoán tăng trưởng ở mức hai chữ số mỗi năm. Nhưng khi thị trường bước vào giai đoạn sụt giảm từ cuối tháng 3-2022, bản thân ông rơi vào cảnh thua lỗ, buộc phải lựa chọn giữa bán cổ phiếu giá thấp hoặc bổ sung tiền mặt để trả nợ vay ký quỹ.
Sau những thất bại, ông Hoà quyết định chuyển hướng sang sử dụng dịch vụ quản lý tài sản của một công ty chứng khoán có trụ sở tại Hà Nội. Với định hướng mới, ông phân bổ 50% vốn đầu tư cho chứng chỉ quỹ mở, phần còn lại được phân bổ cho cổ phiếu và trái phiếu, với tỷ trọng thay đổi theo từng giai đoạn.
Việc lựa chọn chứng chỉ quỹ mở, theo vị này, nhằm giảm thiểu rủi ro trong bối cảnh các thị trường tài sản liên tục biến động, còn bản thân không đủ thời gian và kiến thức để tự đầu tư. Ngoài ra, nhà đầu tư có thể dễ dàng bán lại chứng chỉ quỹ khi có nhu cầu tiền mặt hoặc tìm thấy kênh đầu tư khác có tỷ suất lợi nhuận tốt hơn.
“Việc sử dụng ứng dụng quản lý tài sản, với nhiều công nghệ hiện đại giúp tôi dễ dàng quan sát toàn bộ danh mục đầu tư được phân bổ thế nào, cũng như các cơ hội/rủi ro trên thị trường. Đồng thời dễ dàng tiếp cận các thông tin và phân tích mới, qua đó ra quyết định nhanh hơn, bắt kịp chuyển động thị trường”, ông Hoà nói.
Không chỉ nhà đầu tư, một môi giới lâu năm như ông Nguyễn Thanh Tùng (Hà Nội) cũng phải thích nghi với bối cảnh mới – tức tư vấn đầu tư đồng thời nhiều sản phẩm tài chính – để đáp ứng nhu cầu quản lý tài chính cá nhân ngày càng cao của khách hàng.
“Phải liên tục tìm hiểu các kênh đầu tư khác nhau để tối ưu tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản của khách hàng. Nếu chỉ biết tư vấn chứng khoán, nghĩa là môi giới tự giới hạn năng lực trong bối cảnh nhu cầu khách hàng liên tục mở rộng sang các sản phẩm tài chính khác”, ông Tùng cho biết.
Giải pháp được ông Tùng lựa chọn là quy hoạch tài sản của khách hàng theo mô hình kim tự tháp bốn tầng. Trong đó, tầng thấp nhất là tài sản vô hình gồm thương hiệu cá nhân, hiểu biết, học vấn. Kế tiếp là tài sản phòng vệ với hợp đồng bảo hiểm, tiền gửi tiết kiệm và quỹ chi tiêu khẩn cấp. Cuối cùng, môi giới mới dành nguồn lực cho các khoản tích luỹ dài hạn, tài sản đầu tư ngắn hạn ở hai tầng cuối.
“Khách hàng cần có một con đường để đi, nghĩa là tới năm bao nhiêu tuổi thì sở hữu bao nhiêu tài sản, và họ phải đong đếm được điều đó”, ông Tùng nói.
Cơ hội nào cho các công ty chứng khoán?
Nhận định việc đa dạng hóa sản phẩm và kênh đầu tư là xu thế tất yếu, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Tổng giám đốc TCBS dự báo sẽ có thêm nhiều sản phẩm đầu tư mới trong tương lai gần, sau khi TTCK Việt Nam được nâng hạng và tỷ trọng nhà đầu tư phân bổ vốn vào tài sản tài chính có xu hướng gia tăng. Ngoài ra, nhà đầu tư dễ dàng bị thu hút nếu có kênh đầu tư giúp họ tiết kiệm thời gian.
Do đó, TCBS đã tập trung xây dựng dịch vụ quản lý tài sản đầy đủ cho nhóm khách hàng trung lưu, với sản phẩm gồm trái phiếu, quỹ trái phiếu, quỹ cổ phiếu nội địa. Sau nhiều năm vận hành, nền tảng quản lý gia sản đã hỗ trợ một phần cho sự bứt phá về thị phần môi giới cổ phiếu của TCBS từ quí 2-2023 tới nay.
Với SHS, tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2024, một trong những mục tiêu được lãnh đạo doanh nghiệp nhắc tới là “quản lý nhiều hơn tài sản của khách hàng, không chỉ ở riêng nhóm tài sản chứng khoán”. Ông Đỗ Quang Vinh, Chủ tịch SHS cho biết, với định hướng trở thành đơn vị trung tâm trong mô hình tập đoàn tài chính – đầu tư, thì hệ sinh thái “khác biệt và đa dạng”, gồm ngân hàng, bảo hiểm, quỹ đầu tư sẽ là lợi thế của doanh nghiệp nếu tham gia mảng quản lý gia sản
Tương tự, BSC cũng liên doanh góp vốn Edmond de Rothschild – một tên tuổi lớn trong lĩnh vực quản lý gia sản cho các gia tộc – nhằm triển khai thành lập công ty quản lý quỹ tại Việt Nam, qua đó mở rộng danh mục sản phẩm đầu tư và hướng đến giải pháp đầu tư hiệu quả, tối ưu cho khách hàng.
Tiềm năng là vậy, song các chuyên gia cho rằng thị trường quản lý gia sản vẫn thiếu một số yếu tố nền tảng để có thể tăng trưởng. Ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO AFA Capital dự báo, quy mô thị trường quản lý tài sản Việt Nam có thể đạt tới mức 1.000 tỉ đô la vào năm 2027, nhưng việc thiếu vắng nhiều sản phẩm tốt lại là vấn đề với các đơn vị cung cấp dịch vụ.
“Một hình thức đầu tư văn minh là quỹ mở cần được khuyến khích, nhưng lại đang bị quản lý rất chặt, trong khi nhà đầu tư cá nhân có xu hướng tham gia thị trường nhiều hơn. Ngoài ra, chưa có các sản phẩm chứng chỉ quỹ đầu tư vào thị trường bất động sản như REIT. Đây là vấn đề lớn và cần chiến lược tài chính ở cấp độ quốc gia để tăng cường sản phẩm – dịch vụ cho nhà đầu tư”, ông Tuấn nói và lo ngại nguồn lực dòng vốn sẽ chảy vào vàng và bất động sản, thay vì thị trường tài chính.
Ngoài ra, người dân hiện chưa có nhiều niềm tin với các định chế tài chính trung gian, chủ yếu do các đơn vị này thiếu tính độc lập. Bên cạnh đó, thị trường tài chính thiếu yếu tố kỷ luật và minh bạch những năm gần đây.
“Một nhân viên ngân hàng có thể biến khoản tiền gửi thành khoản bảo hiểm, điều này không được phép làm nhưng lại diễn ra và nếu đã làm thì phải chịu trả giả rất đắt. Kỷ luật yếu kém là trở ngại lớn trong gây dựng lòng tin và phát triển thị trường”, TS Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh.
Để giải quyết vấn đề, các chuyên gia cho rằng yếu tố độc lập của các định chế tài chính trung gian trong việc xây dựng danh mục đầu tư cho khách hàng rất quan trọng. Điều này dẫn tới yêu cầu về lực lượng cố vấn tài chính độc lập, có quyền lợi gắn với khách hàng, thay vì các đơn vị cung cấp sản phẩm.