Năm nay, thị trường thịt heo hơi diễn biến trái quy luật khi từ sau Tết Nguyên đán đến giữa tháng 4, giá mua heo hơi tại chuồng các thương lái trả đã tăng lên mức 60.000 đồng/kg.
Đến tháng 5, giá heo hơi xuất chuồng vẫn tăng mạnh, gần chạm ngưỡng 70.000 đồng/kg, tức tăng khoảng 10.000 đồng/kg so với đầu năm và cũng là mức giá cao nhất trong 5 năm qua.
Tới các tháng tiếp theo, giá thịt heo có phần hạ nhiệt nhưng vẫn neo ở mức cao. Hiện giá heo hơi trên cả nước vẫn ổn định ở mức 61.000-66.000 đồng/kg.
Giá bán heo hơi ổn định ở mức cao là nguyên nhân chính giúp các doanh nghiệp ngành chăn nuôi báo lãi “khủng” trong nửa đầu năm nay.
6 tháng đầu năm, Tập đoàn Hòa Phát đã cung cấp ra thị trường gần 190.000 con heo thịt, 80.000 con heo giống thương phẩm và hơn 1.000 con heo giống hậu bị.
Công ty cho biết sản lượng bán hàng các dòng heo đều tăng trưởng tốt, riêng heo giống hậu bị cao gấp 6 lần so với cùng kỳ năm ngoái, đạt trên 100% so với kế hoạch đầu năm.
Doanh thu từ mảng chăn nuôi của Hòa Phát cũng tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ sản lượng heo bán ra thị trường tăng và giá heo hơi ổn định hơn so với năm 2023.
Lãnh đạo doanh nghiệp này giải thích giá heo tăng do nguồn cung nội địa giảm, số lượng đàn nái sinh sản giảm bởi dịch bệnh. Năm nay, thời tiết nắng nóng bất thường làm heo chậm lớn, dễ nhiễm bệnh, dẫn đến năng suất giảm làm ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cung heo thương phẩm bán ra thị trường.
Trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi lại giảm giúp biên lợi nhuận chăn nuôi của công ty tốt hơn. Doanh thu từ heo tăng mạnh là yếu tố giúp Hoà Phát thu về khoản lợi nhuận sau thuế nửa đầu năm đạt gần 6.190 tỷ đồng, tăng đột biến 238% so với cùng kỳ trong khi doanh thu tăng 25%, đạt 71.000 tỷ đồng.
Không chỉ Hòa Phát, báo cáo kinh doanh mới của Công ty CP Nông nghiệp BAF Việt Nam cũng cho thấy chỉ tính riêng trong quý II, sản lượng heo bán của công ty đã đạt hơn 144.000 con. Doanh thu bán heo đạt 806 tỷ đồng, tức tăng 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, tổng sản lượng heo bán ra của BAF Việt Nam đạt 249.000 con, tương ứng doanh số 1.331 tỷ đồng, lần lượt bằng 86% sản lượng cả năm 2023 và vượt 108% doanh số bán heo năm 2023.
Lợi nhuận gộp của nhà chăn nuôi này theo đó đã tăng 122% với biên lợi nhuận gộp từ mảng chăn nuôi theo mô hình 3F (feed-farm-food) đạt mức 24%. Hiện tổng đàn heo của BAF Việt Nam đạt hơn 430.000 con, sản lượng heo thương phẩm đạt hơn 720.000 con.
Lượng hàng tồn kho tại cuối quý II của công ty ghi nhận ở mức 1.942 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ bao gồm heo các loại.
Lãnh đạo công ty dự kiến tiêu thụ lượng hàng này ra thị trường thời gian tới trong bối cảnh giá heo neo trên 65.000 đồng/kg.
Một “đại gia” khác hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi, giống gia súc, gia cầm và chế biến thực phẩm là Công ty CP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (HoSE: DBC) cũng ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan nửa đầu năm nay.
Dù kết quả kinh doanh quý II sụt giảm nhưng tính chung nửa đầu năm, “đại gia” chăn nuôi Bắc Ninh vẫn ghi nhận bước tăng trưởng vượt bậc về lợi nhuận.
Cụ thể, lũy kế nửa đầu năm, Dabaco ghi nhận doanh thu thuần 6.437 tỷ đồng, tăng 11%. Sau khi trừ thuế và các loại chi phí, công ty báo lãi ròng hơn 218 tỷ đồng, cao gấp 36 lần số thực hiện cùng kỳ 2023.
Không tăng trưởng dương trong 6 tháng đầu năm, thậm chí là báo lỗ nhưng trường hợp của Công ty CP Masan MEATLife vẫn được đánh giá là có kết quả kinh doanh tích cực.
Bởi lẽ, kết thúc 6 tháng đầu năm, công ty này đã ghi nhận khoản doanh thu thuần đạt 3.510 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ. Dù báo lỗ sau thuế 79 tỷ đồng nửa đầu năm nay nhưng con số này đã cải thiện đáng kể so với số lỗ tới 347 tỷ đồng ghi nhận vào cùng kỳ năm trước.
Lãnh đạo công ty cho biết việc giảm lỗ 269 tỷ đồng, tương đương 77% so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do tăng trưởng doanh thu từ mảng thịt ủ mát và mảng thịt chế biến kết hợp với tối ưu chi phí hoạt động.
Sau nửa đầu năm tích cực, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành chăn nuôi heo vẫn sẽ tăng trưởng tích cực trong nửa cuối năm nay khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo nguồn cung heo sẽ tăng trở lại nhưng giá heo hơi vẫn sẽ duy trì ở mức cao tới đầu năm 2025 do tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp.
Bất chấp những biến động thị trường, chăn nuôi heo ngày càng trở thành lĩnh vực kinh doanh hấp dẫn khi đây là nguồn đạm động vật chính trong bữa ăn của người Việt. Theo báo cáo của Fitch Solutions, dự báo đến năm 2026, trung bình mỗi người Việt sẽ tiêu thụ hơn 51 kg thịt/năm trong đó tới 31 kg là từ thịt heo. Đây cũng là lý do ngày càng nhiều “đại gia” trong nước và nước ngoài tham gia thị trường chăn nuôi và chế biến thịt heo Việt Nam.