Sáng 3-6, tại Ngày hội việc làm tạo tác động xã hội chủ đề Con người trong phát triển bền vững, hàng trăm bạn trẻ đã nghe chia sẻ từ các diễn giả về cơ hội việc làm và xu hướng của thị trường lao động tương lai.
Ngày hội do Dear Our Community và Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) đồng tổ chức, giúp sinh viên tiếp cận các công việc về lĩnh vực tạo tác động, đồng thời gặp gỡ các chuyên gia đến từ các công ty, tổ chức tiên phong thực hành các hoạt động phát triển bền vững tại Việt Nam.
Với chia sẻ từ các diễn giả: ông Thane Taithongchai – phó tổng giám đốc StarPrint Vietnam, ông Phạm Duy Hiếu – chủ tịch Startup Vietnam Foundation, TS Nguyễn Quý Hạnh – tư vấn quản trị xã hội Công ty ERM, sinh viên đã có dịp tìm hiểu sâu hơn về xu hướng chuyển đổi để phát triển bền vững của doanh nghiệp, cũng như cơ hội cho nhân sự gen Z trong bối cảnh này.
Phát triển bền vững: Không chỉ còn ở sự tự nguyện
Theo TS Hạnh, phát triển bền vững được định nghĩa là sự thỏa mãn được nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không làm ảnh hưởng đến các nhu cầu của thế hệ tương lai. Đây là một xu hướng đang lan rộng ở nhiều quốc gia, Việt Nam không nằm ngoài làn sóng này.
Ông Hạnh nói trước đây, các công ty hoạt động vì lợi nhuận là chính, trong khi trách nhiệm xã hội là sự tự nguyện, có quyền lựa chọn muốn hoặc không muốn làm. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, thế giới bắt đầu xuất hiện nhiều quy định, khung tiêu chuẩn dành cho trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
“Chúng ta đang bước vào cuộc chơi mới, với những luật lệ mới, không chỉ dừng lại ở sự tự nguyện nữa”, ông Hạnh nói.
Trong khi đó, ông Thane Taithongchai cho biết tại Anh, nơi ông từng sinh sống, mọi người có mức độ quan tâm đến môi trường sống rất cao. Nền giáo dục nói riêng và xã hội nói chung luôn đặt trọng tâm vào câu chuyện làm sao bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội và vai trò của doanh nghiệp.
“Khi sang Việt Nam cách đây 7 năm, tôi có suy nghĩ làm thế nào để mang câu chuyện phát triển bền vững, trách nhiệm xã hội vào thực hành tại Việt Nam. Tôi nhận thấy rất nhiều công ty Việt Nam cũng nhấn mạnh nhu cầu muốn phát triển bền vững, làm những việc tạo tác động xã hội tốt hơn”, ông Thane nói.
“Vùng đất cơ hội” cho gen Z
TS Hạnh nhấn mạnh với xu thế mới, sinh viên sẽ có nhiều cơ hội để trải nghiệm, thử sức, tùy theo khả năng chuyên môn, năng lực và định hướng cá nhân. Các hoạt động liên quan đến phát triển bền vững, trách nhiệm xã hội, môi trường – xã hội và quản trị (ESG) không chỉ giới hạn trong doanh nghiệp, mà đơn vị nào cũng có thể phát huy.
“Tôi từng bất ngờ khi thấy một trường đại học ở Đức nằm gần con sông, các thầy cô tại đó đã biến con sông ấy thành một phòng thí nghiệm tự nhiên. Họ quản lý các ảnh hưởng lên con sông và các vi sinh vật, sau đó mang mô hình này liên kết với doanh nghiệp, tổ chức chính phủ”, ông nói.
Những năm gần đây, nhiều công ty, tập đoàn bắt đầu có các vị trí liên quan đến trách nhiệm xã hội như giám đốc ESG, CSR…
Tương tự, ông Thane Taithongchai cho biết câu chuyện phát triển bền vững cần thay đổi, cải tiến nhiều trong tương lai, dẫn đến sự gia tăng trong nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cần nhiều nguồn lực, mong muốn xây dựng đội ngũ nhân sự hiểu về phát triển bền vững.
Để đón đầu được làn sóng cơ hội này, diễn giả Duy Hiếu cho rằng muốn trở thành người xứng đáng và được các công ty lựa chọn, các bạn trẻ cần chứng minh bản thân có mục tiêu, biết hành động và trên hết là duy trì được mức năng lượng tích cực. Đó cũng là cách mỗi người tự phát triển bền vững, trước khi muốn đóng góp vào bất kỳ tổ chức nào trong lĩnh vực này.
Theo ông Hiếu, các bạn trẻ cần có mục tiêu và tinh thần sẵn sàng hành động, thay vì “nhát tay” do sợ sai sót.
“Không có ai là không sai cả. Hành trình trưởng thành của mỗi con người là dấn thân, trải nghiệm, rồi từ kết quả mà học hỏi, rút kinh nghiệm và tiến bộ. Thành công là do sự trưởng thành theo năm tháng tạo ra, chứ không tự rơi vào đầu mình”.