Tại Thái Lan nơi vốn có truyền thống sử dụng hũ hít thảo dược (herbal inhaler) giới trẻ hiện đang rủ nhau tham gia các workshop DIY (do-it-yourself) để tự tay làm ra “chiếc lọ cứu tinh” này. Không chỉ đơn thuần dùng để thông mũi hay giảm chóng mặt, giờ đây, những chiếc hũ hít còn được xem như phụ kiện độc đáo, phản ánh cá tính và gu thẩm mỹ của chủ nhân.
Trong xu hướng sống chậm và chăm sóc bản thân đang lan rộng, việc tự tay làm ra một món đồ nho nhỏ nhưng mang đến cảm giác dễ chịu đã trở thành hình thức “chữa lành” nhẹ nhàng. Gen Z – thế hệ yêu thích sự tùy biến và sáng tạo vì thế cũng nhanh chóng bị thu hút.

Tự tay tạo mùi – décor không giới hạn
Tại các workshop ở Bangkok hay Chiang Mai những nơi có cộng đồng trẻ năng động người tham gia được lựa chọn kích thước lọ, từ loại cầm tay (khoảng 5cm) đến phiên bản “siêu to khổng lồ”. Mỗi lọ lại có màu sắc khác nhau, đi kèm phụ kiện sticker, charm, hoặc hạt trang trí bắt mắt.
Điểm thú vị nhất nằm ở khâu pha trộn mùi hương. Tùy theo sở thích cá nhân, người tham gia có thể chọn từ các nguyên liệu truyền thống như long não, bạc hà, bạch đàn, vỏ chanh, quế, bạch đậu khấu… Những thành phần này thường được phơi khô hoặc chiết xuất thành tinh dầu, rồi cho vào túi lưới đặt trong lọ.

Không chỉ vui mà còn “thơm” và hữu ích
Theo chia sẻ từ một số chủ workshop, công dụng của hũ hít mũi thảo dược không chỉ đơn giản là thông mũi. Nhiều người dùng còn cho biết nó giúp giảm đau đầu nhẹ, chóng mặt, say tàu xe, buồn nôn hoặc giúp tinh thần tỉnh táo khi mệt mỏi. Đặc biệt, với những ai nhạy cảm với mùi hương, việc giữ khoảng cách khi hít có thể điều chỉnh mức độ nồng hoặc nhẹ tùy ý.
Thời hạn sử dụng của lọ hít thường khoảng 3 tháng kể từ khi mở nắp, nhưng nhiều bạn trẻ cho rằng giá trị thực sự của món đồ này không nằm ở độ bền, mà là ở cảm giác “được làm điều gì đó cho chính mình”.

Với Gen Z, workshop làm lọ hít không chỉ là một buổi thủ công đơn thuần, mà còn là một cách thể hiện gu thẩm mỹ từ lựa chọn nguyên liệu, phối màu cho đến các chi tiết trang trí. Bằng sự tỉ mỉ trong từng công đoạn, họ biến món đồ truyền thống thành phiên bản giới hạn “chỉ mình tôi có”.
Dù chỉ là một lọ nhỏ, nhưng thông qua nó, người trẻ Thái Lan đang gửi gắm thông điệp về sự quan tâm đến sức khỏe tinh thần, sự cá nhân hóa và phong cách sống có chủ đích. Trong hành trình du lịch hay những ngày thường nhật, món đồ nhỏ xinh ấy bất ngờ trở thành “người bạn đồng hành” thân thiết và không thể thiếu.