SPECIAL

Gen Z và cuộc “tẩy chay” trào lưu brainrot trên TikTok

MCS- Không còn là sự hào hứng với những hình ảnh như cá mập đi giày hay voi phát sáng, Gen Z đang dần bày tỏ quan ngại với nội dung “úng não” (brainrot) tràn lan trên TikTok.

Cụm từ “brainrot” từng là một khái niệm mơ hồ, giờ đây đã trở thành một hiện tượng lan rộng. Được hiểu là nội dung mạng vô nghĩa nhưng gây nghiện, brainrot bao gồm các video lập dị, vô lý và thường không có thông điệp rõ ràng. Những hình ảnh như cá biết nhảy hip-hop hay nhân vật hoạt hình bị méo mó được lặp đi lặp lại trên nền nhạc xập xình, trở thành “mồi câu” thị giác hiệu quả.

Tính chất gây nghiện và dễ tiếp cận khiến nội dung này nhanh chóng vượt khỏi phạm vi giải trí đơn thuần. Theo Từ điển Oxford, “brainrot” được chọn là Từ của năm 2024, phần nào cho thấy mức độ phổ biến đáng kinh ngạc.

 các nội dung “brainrot” – thuật ngữ dùng để chỉ những video vô lý, phi logic nhưng dễ gây nghiện
Các nội dung “brainrot” dùng để chỉ những video vô lý, phi logic nhưng dễ gây nghiện.

Trên TikTok, cụm hashtag “Propaganda I’m not falling for” hiện đang được giới trẻ lan truyền như một cách khẳng định bản thân tỉnh táo trước các trào lưu vô nghĩa. Nhiều người thuộc thế hệ Gen Z thể hiện sự phản đối rõ rệt, cho rằng brainrot là biểu hiện của một nền văn hoá đang trượt dài khỏi sự tỉnh táo và chất lượng nội dung.

Sự phản ứng này không phải không có cơ sở. Các nghiên cứu chỉ ra rằng việc tiếp xúc liên tục với các nội dung phi logic và lặp lại có thể làm suy giảm khả năng tập trung, ghi nhớ và thậm chí ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần. Bên cạnh đó, điều đáng lo hơn là các video này phần lớn do trí tuệ nhân tạo tạo ra, khiến ranh giới giữa sáng tạo và thao túng trở nên mong manh hơn bao giờ hết.

 

Làn sóng tẩy chay nội tại từ Gen Z
Làn sóng tẩy chay nội tại từ Gen Z.

Các cuộc tranh luận về nội dung brainrot phần lớn xoay quanh hai thế hệ: Gen Z và Gen Alpha. Trong khi Gen Z tỏ ra dè dặt, thậm chí cảnh giác với các xu hướng này, thì Gen Alpha lại xem đây là một phần của ngôn ngữ và văn hoá riêng. Mira Kopolovic, Giám đốc Nghiên cứu Văn hoá tại We Are Social, nhận định Gen Alpha đang kiến tạo một hệ mã mới trên mạng xã hội, với các biểu tượng, lối diễn đạt và cách tương tác khác biệt hoàn toàn.

Sự thay đổi nhanh chóng của văn hoá mạng khiến Gen Z cảm thấy lạc lõng. Họ không chỉ sợ mất quyền ảnh hưởng, mà còn lo rằng thế hệ sau đang đi lại con đường sai lầm mà họ từng trải qua. Theo khảo sát của The Guardian, gần 50% người trẻ muốn sống trong một thế giới không có Internet, trong khi hơn 75% thừa nhận mạng xã hội khiến họ cảm thấy tiêu cực về bản thân.

Khi “văn hoá kỳ dị” là một cách giải toả

Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng những nội dung này đáp ứng một nhu cầu giải trí nhất định. Giáo sư Yotam Ophir từ Đại học Buffalo lý giải: sức hút của brainrot đến từ chính sự vô nghĩa của nó. Việc hiểu được các meme kỳ lạ hoặc những nhân vật dị biệt khiến giới trẻ cảm thấy mình đang nằm trong “cuộc chơi” điều mà người lớn không thể chạm đến.

Mỗi thế hệ đều từng có những “văn hoá kỳ dị” của riêng mình  từ thời trang thập niên 90 đến các trào lưu cuồng thần tượng những năm 2000. Điều khác biệt chỉ là ngữ cảnh công nghệ và nhịp phát triển quá nhanh khiến những mâu thuẫn thế hệ diễn ra gay gắt hơn, đẩy câu chuyện “tẩy chay tungtung sahur” vượt xa khỏi phạm vi một trào lưu giải trí đơn thuần.