SPECIAL

Gen Z và vòng xoáy tiêu dùng mang tên FOMO

MCS- Gen Z thế hệ lớn lên cùng mạng xã hội đang bị cuốn vào vòng xoáy tiêu dùng bởi FOMO (nỗi sợ bỏ lỡ). Từ việc “mắt thấy tay mua” đến cảm giác trống rỗng sau mỗi lần chốt đơn, hành vi mua sắm của giới trẻ không còn dừng lại ở nhu cầu thực tế, mà trở thành cuộc đua để không bị “ra rìa” khỏi xu hướng.

Trong kỷ nguyên TikTok Instagram, xu hướng được tạo ra chỉ trong một cú vuốt màn hình. Một video triệu view đủ khiến chiếc váy đơn giản trở thành “must-have”, món mỹ phẩm bình dân thành món đồ không thể thiếu. Và Gen Z với khả năng tiếp cận thông tin nhanh chưa từng có dễ dàng trở thành “nạn nhân tự nguyện” của FOMO, hội chứng sợ bỏ lỡ.

FOMO (Fear Of Missing Out) vốn là khái niệm tâm lý phổ biến từ đầu những năm 2000, nhưng đến thời Gen Z, nó đã mang hình thái mới: nỗi lo không kịp đu trend. Giới trẻ không chỉ sợ bỏ lỡ trải nghiệm mà còn sợ… bỏ lỡ món đồ mà “ai cũng có”. Việc mua sắm vì thế không xuất phát từ nhu cầu thiết thực mà từ cảm giác phải theo kịp cộng đồng, kịp thời chứng minh “tôi cũng hợp thời”.

Hiện tượng này bắt nguồn từ FOMO – hội chứng sợ bỏ lỡ
Hiện tượng này bắt nguồn từ FOMO – hội chứng sợ bỏ lỡ.

Điều đáng nói là thói quen này không dừng lại ở thế giới ảo. Ngoài đời, “mắt thấy là tay thêm vào giỏ hàng”, “nghe khen là rút ví” dần trở thành phản xạ không điều kiện. Cảm giác phải nhanh tay sở hữu món đồ hot khiến nhiều bạn trẻ chi tiêu thiếu kiểm soát. Ví tiền cạn kiệt nhanh hơn pin điện thoại, trong khi tủ đồ chất đống những món hàng “mặc một lần rồi thôi”.

Bạn Nguyễn Thị Nga (sinh năm 2004, Bình Dương) chia sẻ trải nghiệm quen thuộc: “Mình từng mua một chiếc váy vintage chỉ vì thấy ai cũng đăng story mặc nó. Lúc mua thì vui lắm, mà giờ nó nằm trong tủ từ bao giờ mình cũng chẳng nhớ.”

Chuyện của Nga không phải cá biệt. Trên TikTok, hàng loạt review tích cực có thể khiến món đồ bình thường trở thành “đỉnh cao thời thượng”. Và thế là một “cơn sốt” được tạo ra, dẫn đến những quyết định mua sắm bốc đồng hay đúng hơn là một dạng “áp lực đồng trang lứa kỹ thuật số”.

 người mua càng dễ mất đi khả năng kiểm soát và lý trí trong quyết định tiêu dùng.
Người mua càng dễ mất đi khả năng kiểm soát và lý trí trong quyết định tiêu dùng.

Không ít bạn trẻ sau những lần mua sắm như thế phải đối mặt với cảm giác tiếc nuối, hụt hẫng. Mua để cảm thấy mình không bị bỏ lại phía sau, nhưng rồi lại cảm thấy trống rỗng vì không thực sự cần những món đồ ấy.

Tuy nhiên, một số bạn trẻ cũng đang tìm cách “gỡ trend” một cách thông minh. Nguyễn Huỳnh Phi (sinh năm 2004, Bình Dương) thừa nhận: “Không phải món gì hot cũng hợp với mình. Có lần mình mua đồ thấy đẹp trên người khác nhưng mặc lên mình thì trớt quớt. Sau đó mình hiểu, cần phải tỉnh táo hơn”.

Một mẹo nhỏ từ chính Gen Z là chiến lược “thử lòng ví tiền”: hãy thêm món đồ vào giỏ hàng, để đó 3 ngày rồi quay lại. Nếu sau 3 ngày vẫn thấy cần thiết thì mới quyết định mua. Cách này không chỉ giúp kiểm soát chi tiêu, mà còn tạo khoảng thời gian suy nghĩ kỹ hơn trước mỗi quyết định.

Với thế hệ trẻ, việc “đứng ngoài” vài trào lưu không còn là biểu hiện của sự lạc hậu. Mà đôi khi, chính sự tỉnh táo, biết chọn lựa và hiểu bản thân mới là biểu hiện rõ ràng nhất của một cá tính hiện đại.