Tuy nhiên, trong tuần qua, giá dầu thế giới ghi nhận thêm 1 tuần tăng giá với dầu Brent vượt mốc 90 USD/thùng, tăng thêm khoảng 2%, đánh dấu tuần tăng giá thứ hai liên tiếp.
Trong 6 phiên giao dịch của tuần, giá dầu tăng 4 phiên, giảm 1 phiên và ổn định 1 phiên. Phiên lao dốc chưa đến 1 USD rơi vào phiên giao dịch thứ 4 của tuần giao dịch.
Trong phiên này, giá dầu trượt dốc bởi sự mạnh lên của đồng USD và các số liệu kinh tế yếu hơn từ khu vực đồng euro, nhất là dữ liệu từ Trung Quốc cho thấy xuất nhập khẩu của nước này trong tháng 8 giảm dù nhập khẩu dầu thô tăng.
Bốn phiên leo dốc của giá dầu được hỗ trợ bởi tuyên bố bất ngờ của Ả Rập Xê-út và Nga. Hai nhà cung cấp dầu hàng đầu thế giới và là 2 thành viên quan trọng của OPEC+ cho rằng sẽ kéo dài việc cắt giảm sản lượng tự nguyện và sản lượng xuất khẩu tổng cộng là 1,3 triệu thùng/ngày cho đến hết năm, thay vì chỉ trong tháng 10 như đồn đoán của nhiều nhà phân tích.
Tuyên bố này khiến các nhà đầu tư lo lắng về khả năng thiếu hụt nguồn cung trong đợt cao điểm nhu cầu mùa đông sắp tới.
Jorge Leon, phó chủ tịch cấp cao của Rystad Energy nhận xét: “Đây là một dấu hiệu rõ ràng rằng giá dầu vượt sản lượng (đối với Ả Rập Xê-út)”.
Theo vị phó chủ tịch Rystad Energy, “những động thái tăng giá này thắt chặt đáng kể thị trường dầu mỏ toàn cầu và chỉ có thể dẫn đến một điều rằng giá dầu tăng cao hơn trên toàn thế giới”.
Việc cắt giảm sản lượng sốc này của Ả Rập Xê-út và Nga cũng khiến Ngân hàng UBS dự đoán giá dầu Brent có thể bị đẩy lên mức đỉnh 95 USD/thùng vào cuối năm.
Khi tuyên bố gia hạn cắt giảm, Saudi Arabia cho biết sẽ xem xét quyết định này hằng tháng và có thể tăng sản lượng nếu cần thiết.
Theo Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ, giá dầu tăng trong bối cảnh tồn kho dầu thô của Mỹ tiếp tục giảm thêm 6,3 triệu thùng trong tuần trước, giảm tuần thứ 4 liên tiếp và giảm hơn 6% trong tháng 8. Như vậy, kể từ ngày 1/7, giá dầu Brent và dầu WTI chuẩn quốc tế đã tăng khoảng 20%.
Tại thị trường trong nước, giá bán các loại xăng dầu hôm nay được áp dụng theo mức giá tại phiên điều hành chiều 5/9 của liên Bộ Tài chính – Công Thương.
Theo đó, giá bán lẻ xăng E5 RON92 tăng 132 đồng/lít, không cao hơn 23.471 đồng/lít; giá xăng RON95 tăng 270 đồng/lít, không cao hơn 24.871 đồng/lít.
Giá dầu diesel cũng tăng 291 đồng/lít, lên mức 22.645 đồng/lít; giá dầu hỏa tăng 505 đồng/lít, lên mức 22.814 đồng/lít. Duy chỉ có giá dầu mazut giảm 277 đồng/kg, không cao hơn 17.704 đồng/kg.
Trong kỳ điều hành lần này, liên Bộ Tài chính – Công Thương không trích lập Quỹ quỹ bình ổn giá đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu. Đồng thời, không chi quỹ đối với tất cả các mặt hàng.
Theo quy định tại Nghị định 95/2021/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, giá bán lẻ xăng dầu trong nước sẽ được điều chỉnh tại kỳ điều hành giá của liên Bộ Tài chính – Công Thương vào chiều mai (11/9).
Dự kiến, giá sẽ biến động theo hướng tăng nhẹ do giá dầu thế giới liên tục tăng trong 2 tuần qua. Nếu đúng như dự báo, giá xăng dầu trong nước sẽ tăng lần thứ 7 liên tiếp.
Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng đã trải qua 25 lần điều chỉnh, trong đó có 15 lần tăng, 7 lần giảm và 3 lần giữ nguyên.