Mập cũng bị chê, gầy cũng bị nói!
Từng có thân hình ốm nhách, rồi cũng có thời gian “mập ú”, chị Trần Huệ (32 tuổi, Hà Nội) dù ở hoàn cảnh nào cũng nhận được những bình luận “không hay” về cơ thể của mình.
“Khi tôi ốm, người ta nói tôi không có sức sống. Khi tôi mập lên, người ta nói sao mập thế, mập xấu. Tôi đã từng rất tự ti về ngoại hình của mình, tôi không biết thế nào thì mình mới đẹp trong mắt mọi người”, chị Huệ bộc bạch.
Cho tới một ngày, khi đang cố nhịn ăn để giảm cân cho đẹp hơn thì chị bị một trận ốm nặng ập tới. Lúc ấy, chị Huệ mới hiểu rằng ngoại hình không quan trọng đến vậy, sức khỏe mới là điều quan trọng hơn cả.
“Thay vì bạn cố thay đổi những thứ không thể thay đổi được thì hãy lạc quan chấp nhận nó. Thay vì quan tâm quá nhiều đến việc mập hay ốm, tôi nghĩ rằng nên tập luyện, chăm sóc bản thân để sức khỏe mình tốt hơn”, chị Huệ chia sẻ.
Chấp nhận và trân trọng cơ thể
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Ngọc Hoàng – thành viên Hội Tâm lý trị liệu Việt Nam, việc tự yêu thương cơ thể là một quá trình tâm lý phức tạp, đặc biệt là trong một xã hội mà tiêu chuẩn vẻ đẹp thường được định nghĩa còn eo hẹp.
“Trước tiên, mỗi người cần nhận thức sự đa dạng của cơ thể. Tạo hóa sinh ra không ai giống ai, điều đó tạo nên điểm khác biệt, cá nhân hóa của mỗi người. Không có một tiêu chuẩn chung về ngoại hình cho tất cả mọi người.
Điều quan trọng nhất là phải học cách chấp nhận và trân trọng cơ thể của bạn. Bạn có thể tự tìm hiểu cơ thể mình một cách khách quan, tỉ mỉ bao gồm cả những điểm tích cực và những điểm chưa hài lòng.
Hãy ghi lại những điểm tích cực nhiều nhất có thể. Đôi khi một số điểm hạn chế trên cơ thể nhìn bằng một góc nhìn nào đó lại là ưu điểm tích cực. Ví dụ như thừa cân một chút nhìn đáng yêu hơn hay sẽ khiến mùa đông ấm hơn.
Mỗi người cần xây dựng cho mình một cơ thể tích cực, hãy đối xử tốt với cơ thể mình. Chúng ta đừng so sánh mình với người khác, hãy chú trọng đến việc chăm sóc cơ thể của bản thân.
Bởi có những người áp lực vì không thể giảm cân, cũng có những người bế tắc vì không thể tăng cân. Thay vì khiến điều ấy trở thành rào cản khiến bạn tự ti, hãy học cách yêu thương, trân trọng cơ thể mình.
Hãy ăn uống cân bằng, tập thể dục đều đặn và thực hiện các hoạt động giải tỏa căng thẳng như yoga, thiền… những điều đó giúp bạn tự tin và yêu cơ thể mình hơn”, chuyên gia tâm lý Nguyễn Ngọc Hoàng chia sẻ.
Không giảm cân, vẫn cần tập thể dục
Bác sĩ Nguyễn Tiến Lộc – khoa y học thể thao, Viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng) – chia sẻ người tập thể dục thể thao đều đặn không những giúp giảm cân mà còn mang lại muôn vàn lợi ích khác cho sức khỏe.
Bác sĩ Lộc cho hay khi chơi thể thao, tim cần hoạt động nhiều hơn để bơm máu đi khắp cơ thể, nhờ đó mà các cơ quan như da, não… sẽ nhận được nhiều máu hơn, giúp da hồng hào, não bộ minh mẫn hơn, hạn chế các nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Vì vậy duy trì thói quen tập thể dục thể thao là chúng ta đang duy trì một cơ thể khỏe mạnh và trạng thái tinh thần hưng phấn nhất.
“Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng người rèn luyện thể thao sức bền sẽ có khả năng chịu đau và chống chọi bệnh tật tốt hơn so với người có lối sống tĩnh tại. Vì vậy, không những giúp phòng ngừa bệnh tật, chơi thể thao còn hỗ trợ cho việc điều trị bệnh đạt hiệu quả hơn”, bác sĩ Lộc cho hay.
Cũng theo bác sĩ Lộc, thời gian tập thể dục thể thao mang tính chủ quan, tùy thuộc vào cơ địa của mỗi người. Hiện nay, cá nhân hóa thể thao đang được quan tâm nhiều hơn vì mỗi người, mỗi hoàn cảnh và cơ địa khác nhau sẽ có cường độ và chế độ tập luyện khác nhau.
Mỗi ngày cố gắng tập luyện thể thao ít nhất 30 phút. Bên cạnh đó, cũng nên duy trì lối sống lành mạnh, hạn chế đồ ăn dầu mỡ, đồ ăn chế biến sẵn để ngăn ngừa bệnh tật.
Dùng thực phẩm chức năng giảm cân cần được chỉ định lâm sàng
Bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ – giảng viên khoa y học cổ truyền, Trường đại học Y Dược TP.HCM – cho biết thế kỷ 21 là “thế kỷ của thực phẩm chức năng”, hiện nay nhiều cơ sở đông y, nhà máy đang chạy đua sản xuất các loại thực phẩm chức năng.
Tuy nhiên, người dân cần phải dựa vào chỉ định cận lâm sàng mới được sử dụng. Chúng không thể thay thế cho các thức ăn hằng ngày, chỉ bổ sung khiếm khuyết của cơ thể trong quá trình hấp thu…
Khi muốn sử dụng thực phẩm chức năng, người dân cần chú ý đến các thành phần trong đó, cần làm các xét nghiệm để cơ thể dư hoặc thiếu chất gì cần bổ sung mới có hiệu quả hoặc tham khảo ý kiến của bác sĩ.