Những năm gần đây, xu hướng đa nghề nghiệp trở nên phổ biến, đặc biệt là ở thế hệ trẻ. Họ không ngại thử sức ở nhiều lĩnh vực khác nhau để tìm ra đam mê thật sự của mình. Câu chuyện của Hải Đăng – một hướng dẫn viên du lịch chuyển mình thành MC chuyên nghiệp là một ví dụ điển hình cho sự chuyển đổi đầy thú vị này.
“Đăng nhận ra rằng cả hai công việc đều đòi hỏi khả năng giao tiếp và sự linh hoạt. Là hướng dẫn viên, mình phải học cách kể chuyện, tạo không khí và xử lý tình huống. Còn khi làm MC, tôi tận dụng chính những kỹ năng ấy để kết nối với khán giả”- Hải Đăng chia sẻ.
Người ta thường nói, những cơ hội lớn trong đời thường đến vào lúc bất ngờ nhất. Với Hải Đăng, điều đó chính xác hơn bao giờ hết. Đăng từng là một chàng trai trầm tính, ít nói và chưa bao giờ nghĩ mình có thể đứng trên sân khấu. Tuy nhiên, công việc hướng dẫn viên du lịch mà anh theo đuổi sau khi ra trường đã giúp anh dần thoát khỏi vỏ bọc, mở rộng khả năng giao tiếp và xử lý tình huống trước đám đông.
Nhưng bước ngoặt lớn nhất trong hành trình của Đăng xảy ra tại một buổi Gala Dinner khi anh đang dẫn đoàn khách du lịch. “MC của chương trình bất ngờ không thể có mặt. Ban tổ chức đã đề nghị thay thế tạm thời. Ban đầu, mình khá lo lắng, nhưng rồi tự nhủ rằng đây là cơ hội để thử sức mình” Đăng kể lại.
Nhờ quãng thời gian đồng hành cùng đoàn, Đăng đã nhanh chóng kết nối cảm xúc với khán giả. Anh lồng ghép những câu chuyện vui trên hành trình vào phần dẫn, giúp không khí chương trình trở nên gần gũi, tự nhiên và ấm áp hơn.
“Khi chương trình kết thúc, Đăng nhận được rất nhiều lời khen ngợi. Điều đó khiến mình nhận ra mình có một niềm đam mê đặc biệt: Đứng trên sân khấu và tạo ra những khoảnh khắc đáng nhớ” Đăng chia sẻ.
Tuy nhiên, để trở thành một MC chuyên nghiệp không phải là điều dễ dàng. Với Hải Đăng, thử thách lớn nhất chính là vượt qua nỗi sợ bên trong mình.
“Đăng từng rất ngại giao tiếp. Khi bắt đầu tập luyện cho vai trò MC, mình cảm thấy áp lực lớn vì luôn sợ mắc sai lầm hoặc không tạo được ấn tượng với khán giả. Nhưng mình nhận ra rằng, để tiến bộ, mình cần cho phép bản thân sai và học hỏi từ chính những sai lầm đó” anh thổ lộ.
Đăng thường xuyên dành thời gian xem các chương trình của những MC chuyên nghiệp, tập luyện cách phát âm, ngữ điệu và cách xử lý tình huống. Anh cũng tranh thủ thời gian dẫn tour để rèn luyện khả năng giao tiếp trước đám đông.
“Công việc hướng dẫn viên là nền tảng giúp tôi trau dồi kỹ năng làm MC. Hai công việc này có rất nhiều điểm chung. Khi dẫn tour, mình phải kể những câu chuyện thú vị để tạo không khí vui vẻ cho đoàn. Khi làm MC, tôi cũng phải biết cách nắm bắt cảm xúc của khán giả và dẫn dắt chương trình sao cho mượt mà, tự nhiên” Đăng nói.
“Không có chương trình nào diễn ra hoàn hảo 100%. Có lúc gặp sự cố kỹ thuật, có lúc kịch bản thay đổi đột ngột. Điều quan trọng là mình phải luôn giữ bình tĩnh và biết cách xử lý tình huống một cách khéo léo”, anh chia sẻ.
Đăng nhớ mãi lời khuyên của người thầy đã hướng dẫn mình vào nghề MC: “Lên sân khấu, hãy kể chuyện làm sao cho thật ‘đời’ và gần gũi nhất. Đừng biến mình thành người xa cách khán giả. Hãy làm thân với khán giả trước khi bắt đầu chương trình”.
Lời khuyên ấy giúp Đăng luôn duy trì phong cách dẫn dắt tự nhiên, chân thành và gần gũi. Anh hiểu rằng, khán giả không chỉ muốn nghe thông tin mà còn mong được cảm nhận cảm xúc chân thật từ người dẫn chương trình.
Ngoài công việc MC, Hải Đăng còn tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện. Với anh, đây là cách để kết nối và sẻ chia những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống.
Đăng đặc biệt ấn tượng với chương trình “Thêm một bữa no, thêm một nụ cười” hỗ trợ Hội Người mù tại thị xã Cai Lậy.
“Khi tham gia buổi giao lưu âm nhạc, Đăng vô cùng xúc động khi thấy các cô chú trong hội hát những bài dân ca. Dù họ không nhìn thấy, nhưng họ hát bằng tất cả trái tim và đam mê” anh kể.
Một khoảnh khắc đáng nhớ khác là khi Đăng nghe câu chuyện của một người phụ nữ mất thị lực từ khi còn trẻ. Dù gặp nhiều khó khăn, bà vẫn tự học làm đồ thủ công và điều hành một cửa tiệm nhỏ.
“Lời chia sẻ ấy đã khích lệ mình rất nhiều. Đăng nhận ra rằng, điều quan trọng không phải là mình có gặp khó khăn hay không, mà là mình có quyết tâm vượt qua nó hay không” Đăng chia sẻ.
Việc cân bằng giữa công việc hướng dẫn viên, tham gia tình nguyện và trau dồi kỹ năng MC là một thử thách lớn. Đăng đã phải điều chỉnh cách quản lý thời gian để không bị quá tải.
“Đăng luôn xem mỗi lĩnh vực mình làm là những mảnh ghép bổ trợ cho nhau. Công việc hướng dẫn viên giúp mình thực hành giao tiếp. Các hoạt động tình nguyện giúp Đăng hiểu thêm về giá trị của sự đồng cảm. Và công việc MC là nơi có thể vận dụng tất cả những điều đó để kết nối với khán giả” anh chia sẻ.
Đăng cũng học cách tận dụng những khoảng thời gian ngắn rảnh rỗi để luyện tập. Anh thường xem lại các buổi dẫn thử của mình, ghi nhận những điểm cần cải thiện và luôn giữ tinh thần cầu tiến.
Khi được hỏi về thông điệp muốn gửi đến các bạn trẻ đang có ước mơ nhưng còn ngần ngại bắt đầu, Hải Đăng khẳng định: “Hãy tin vào chính mình và dũng cảm bắt đầu, dù chỉ từ những bước nhỏ nhất”.
Anh nhấn mạnh rằng, mỗi thử thách đều là cơ hội để học hỏi và trưởng thành. Thay vì sợ thất bại, hãy coi đó là bài học quý giá giúp bạn tiến xa hơn trên hành trình của mình.
“Đừng để nỗi sợ cản bước bạn. Thành công không đến ngay lập tức, nhưng nếu bạn kiên trì và giữ ngọn lửa đam mê, bạn sẽ từng bước đến gần hơn với ước mơ của mình.”
Với Hải Đăng, trở thành MC không chỉ là câu chuyện của việc làm chủ sân khấu, mà còn là hành trình kết nối, lan tỏa giá trị tích cực và giúp mọi người tìm thấy ánh sáng trong chính mình.