Huyền thoại rồng lửa và biểu tượng núi Phú Sĩ
Núi Phú Sĩ cao 3.776 mét, không chỉ là ngọn núi cao nhất Nhật Bản mà còn là biểu tượng văn hóa, tinh thần sâu sắc của người dân xứ sở hoa anh đào. Trong lịch sử, nhiều truyền thuyết và tác phẩm nghệ thuật miêu tả núi Phú Sĩ luôn gắn liền với hình tượng rồng loài sinh vật biểu trưng cho sức mạnh và may mắn.
Hình ảnh “rồng lửa” mới đây trên đỉnh núi Phú Sĩ đã làm bùng nổ mạng xã hội. Dải ánh sáng cam uốn lượn giống như rồng bay lên từ đỉnh núi khiến không ít người trầm trồ. Một số cư dân mạng cho rằng đây là truyền thuyết “rồng thần” rời núi, mang theo thông điệp về hạnh phúc và phước lành. Nhiều nghệ sĩ Nhật Bản trong quá khứ, như Katsushika Hokusai cũng từng vẽ rồng gắn liền với núi Phú Sĩ, càng làm tăng thêm sức hút của hiện tượng này.
Lời giải khoa học cho hiện tượng kỳ thú
Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, hiện tượng “rồng lửa” thực chất là mây được chiếu sáng bởi ánh mặt trời lúc bình minh. Khi mặt trời ở gần đường chân trời, ánh sáng phải vượt qua một quãng đường dài hơn để đến mắt người quan sát. Do hiện tượng tán xạ Rayleigh, ánh sáng có bước sóng ngắn (xanh, tím) bị tán xạ, chỉ còn lại ánh sáng bước sóng dài (đỏ, cam, vàng).
Sự đặc biệt của núi Phú Sĩ nằm ở vị trí và điều kiện khí hậu độc đáo. Các dòng khí lạnh ở độ cao lớn dễ dàng tạo ra những đám mây kỳ lạ. Trước đây, núi Phú Sĩ cũng từng xuất hiện các hiện tượng như mây thấu kính được ví như “mây đĩa bay” tạo nên vẻ đẹp không tưởng cho ngọn núi thiêng này.
Dù là biểu tượng khoa học hay tâm linh, hình ảnh “rồng lửa” trên đỉnh núi Phú Sĩ đã một lần nữa khẳng định vẻ đẹp kỳ vĩ của thiên nhiên Nhật Bản. Đối với người Nhật, đây không chỉ là một hiện tượng thiên nhiên, mà còn là nguồn cảm hứng sáng tạo vô tận trong nghệ thuật, văn hóa và cả đời sống tinh thần.