Học tiếng Anh hiệu quả nhờ công nghệ “hiểu” người học
Trao đổi về chủ đề này, chị Linh Nguyễn (giám đốc marketing tại ELSA Corp.) cho rằng các bạn trẻ hiện có nhiều lợi thế hơn so với các thế hệ trước.
Tự nhận là người khá chăm chỉ nhưng ở thời của chị, việc học từ vựng chỉ có thể thông qua các cuốn từ điển Việt – Anh dày cộm, rất mất thời gian và chật vật để dò từ mới.
“Với kỹ năng nghe, chúng tôi phải học qua các cuốn băng với nội dung cũ. Trong khi đó hiện kiến thức đa phần được “toàn cầu hóa” nhờ công nghệ, việc học tiếng Anh hiệu quả không quá thử thách như ngày xưa” – chị Linh Nguyễn nói.
Với sự phát triển cuồn cuộn của công nghệ, người học hiện có thể tiếp cận kiến thức, cách thức học tiếng Anh hiệu quả thông qua các trang giáo dục trực tuyến nổi tiếng như: Coursera (Mỹ), edX, MITx, Khan Academy…
Gần đây nhất, người học lại hoàn toàn có thể tìm hiểu các cách thức học tiếng Anh hiệu quả bằng công nghệ thông qua “người thầy” ChatGPT. Nhiều bạn trẻ gặp chung một thử thách là khó chinh phục kỹ năng nghe hoặc đọc với các chủ đề “khó xơi” như lịch sử, khoa học.
“Tôi có cảm giác chỉ đọc được 15 phút là não đã không thể tiếp thu, phân tích gì thêm nữa. Trong khi thời điểm đó tôi cần học lượng từ vựng mới để chuẩn bị cho kỳ thi liên quan”, bạn Tuyết Trâm (20 tuổi) trăn trở.
Các diễn giả cho biết vấn đề trên một phần do tính cách, hành vi của các bạn trẻ gen Z bị tác động bởi mạng xã hội, các ứng dụng… Con người nói chung và gen Z nói riêng dần trở nên thiếu tập trung, thiếu kiên nhẫn hơn do hầu hết nội dung online đều được thiết kế rất nhanh, rất gọn.
Một “điểm cộng” khác của các ứng dụng học ngoại ngữ, hệ thống dạy tiếng Anh áp dụng công nghệ và trí tuệ nhân tạo hiện nay là personalization (tạm dịch: cá nhân hóa dữ liệu người dùng hay người học).
Có thể hiểu đơn giản về xu hướng này thông qua câu chuyện của YouTube. Thông qua lịch sử tìm kiếm, YouTube sẽ “hiểu” sở thích và tự đề xuất các video có nội dung liên quan để tạo cảm hứng, cuốn hút người dùng ở lại với YouTube.
Tương tự, khi các trang học trực tuyến “hiểu” người dùng là sinh viên y khoa sẽ chủ động phân loại, gợi ý các bài đọc có chủ đề liên quan thay vì đưa các bài đọc về nội dung khác. Điều này vừa giúp người học có cơ hội học từ vựng mới vừa không ám ảnh với sự đọc.
Phải biết nhiều từ vựng để giỏi ngoại ngữ?
Chúng ta có khuynh hướng tin rằng chỉ khi rất thành thạo từ vựng mới có thể nắm được ý chính của các bài nghe, bài đọc.
Về vấn đề này, anh Lê Đình Lực (sáng lập viên Học viện tiếng Anh tư duy DOL English, một trong các start-up được trao giải thưởng Tuổi Trẻ Start-up Award 2022) nói người học không nhất thiết phải biết toàn bộ từ vựng để có thể nghe, đọc hiểu hết bài: “Chúng tôi nghiên cứu và phát triển phương pháp học tiếng Anh tư duy Linearthinking để giải quyết câu chuyện trên”.
Chia sẻ, bác sĩ nha khoa Nguyễn Trung Kiên (có điểm IELTS 8/9, trong đó kỹ năng nghe và đọc đều đạt điểm tuyệt đối 9/9) cho biết bản thân cũng từng loay hoay trong việc cải thiện hai kỹ năng trên.
“Bên cạnh việc nghe báo đài tiếng Anh thường xuyên, phương pháp Linearthinking giúp tôi hệ thống hóa kiến thức trong tiếng Anh một cách hiệu quả, tư duy và suy luận có cơ sở, lần ra mạch nội dung của cả bài dù không biết nhiều từ mới trong đó”, anh Kiên bộc bạch.
Về kỹ năng nghe, anh Vinh San – người từng đoạt giải nhất cuộc thi hùng biện tiếng Anh toàn thành “Nhịp cầu Anh ngữ 2005” (do Hội đồng Anh tổ chức) – nói điều này cần thời gian và lộ trình phù hợp.
Theo anh, hiểu được điều này giúp chúng ta không còn “thu mình” vì ngán hay sợ kỹ năng nghe nữa, bởi không phải do mình dở mà điều chúng ta cần là thời gian.