Sự tấn công của những “lính mới”
Với sự phát triển của công nghệ tài chính (Fintech) cùng sự ra đời của nhiều sản phẩm tài chính, mảng cho vay tiêu dùng trở nên “chật chội” hơn khi đã gia tăng đáng kể các nhà cung cấp dịch vụ. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 11/2023, toàn hệ thống có 84 tổ chức tín dụng có dư nợ cho vay tiêu dùng. Chưa kể, thị trường còn có sự tham gia của các công ty tài chính truyền thống, các sản phẩm dịch vụ mới như ví trả sau (buy now pay later) và P2P Lending (cho vay ngang hàng).
TS Đào Lê Trang Anh – chuyên gia tài chính từ Đại học RMIT, thị trường cho vay tiêu dùng đang được định hình lại khi có thêm nhiều nhà cung cấp dịch vụ mới. Theo đó, chiếm thị phần lớn nhất vẫn là các ngân hàng truyền thống do có nền tảng vững chắc, cơ sở dữ liệu khách hàng lớn và uy tín cao. Tiếp theo là các công ty tài chính trong phân khúc cho vay tiêu dùng nhỏ lẻ. Hiện nay các công ty này cũng đang nỗ lực cải tiến dịch vụ, tích hợp công nghệ để cạnh tranh với các dịch vụ mới từ Fintech.
Bên cạnh đó, TS Đào Lê Trang Anh cho biết ví trả sau cũng đang trở thành một xu hướng phổ biến, đặc biệt với giới trẻ và người tiêu dùng trực tuyến với một số công ty nổi bật trong lĩnh vực này là MoMo và ZaloPay. Ví trả sau là một dịch vụ dễ dàng với người sử dụng trong việc đăng ký và thực hiện so với vay ngân hàng truyền thống.
Ngoài ra, P2P Lending – nền tảng cho vay trực tuyến, cũng đang phát triển rất mạnh mẽ trên thế giới và tại Việt Nam nhờ tính linh hoạt cao và thủ tục đơn giản. Đây là nền tảng cho phép khách hàng cá nhân tùy chọn yêu cầu vay trên thị trường để tìm các nhà đầu tư cá nhân với mức lãi suất phù hợp. Năm 2023, thị trường Việt Nam có khoảng 100 công ty Fintech cung cấp dịch vụ cho vay ngang hàng chính thống.
Ngoài các dịch vụ kể trên, trên thị trường còn có các Fintech khác cung cấp các sản phẩm tài chính sáng tạo như cho vay qua ứng dụng di động, dịch vụ tài chính vi mô và các sản phẩm tài chính số khác.
Theo TS Đào Lê Trang Anh, sự cạnh tranh trên thị trường cho vay tiêu dùng đang ngày càng gay gắt với sự tham gia của nhiều tổ chức tài chính, ngân hàng và Fintech. Các công ty cần có chiến lược khác biệt để tạo lợi thế cạnh tranh, đồng thời quản lý rủi ro hiệu quả, từ đó phát triển trong dài hạn.
Đối với các công ty tài chính vốn là những đơn vị đã chịu tổn thương nặng nề do sự ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, TS Nguyễn Tuấn Anh, giảng viên tài chính Đại học RMIT, cho biết các công ty này cần theo dõi sát sao các quy định và thay đổi của Chính phủ trong việc ban hành khung pháp lý toàn diện và cụ thể cho Fintech tại Việt Nam để có thể có những thay đổi kịp thời và cạnh tranh trong lĩnh vực này.
“Bản thân các công ty tài chính phải tái cơ cấu để thích ứng với thị trường đang ngày càng thay đổi. Việc tái cơ cấu này bao gồm việc định hướng lại hoạt động kinh doanh với yếu tố thắt chặt rủi ro cho vay, nâng cao chất lượng tín dụng trong khâu thẩm định cũng như theo dõi và thu hồi nợ”, TS Nguyễn Tuấn Anh cho biết.
Theo vị chuyên gia này, công ty tài chính cần đặc biệt hạn chế việc cho vay tiền mặt giá trị lớn mà lơi lỏng thẩm định, cũng như tránh sử dụng các biện pháp thu hồi nợ không đúng quy định. Ngoài ra, cần tăng cường ứng dụng công nghệ số để bổ sung thêm thông tin xác thực, phân tích chất lượng tín dụng của khách hàng trên không gian số và số hóa quá trình vận hành để giảm chi phí, giảm lãi vay.
Miếng bánh cho vay tiêu dùng còn hấp dẫn?
Cùng với sự cạnh tranh trên thị trường cho vay tiêu dùng ngày càng trở nên gay gắt, các số liệu về cho vay tiêu dùng đang ghi nhận những tín hiệu tiêu cực như tăng trưởng âm, tỷ lệ nợ xấu gia tăng. Điều này làm dấy lên một nghi vấn về sức hấp dẫn của miếng bánh này so với giai đoạn hoàng kim trước đó, khi mà nhiều công ty tài chính được ví như “gà đẻ trứng vàng” của các ngân hàng mẹ.
Lý giải về thực trạng của thị trường cho vay tiêu dùng, TS Đào Lê Trang Anh cho biết nguyên nhân chính đến từ những khó khăn chung của nền kinh tế, dẫn đến sự suy giảm khả năng trả nợ của khách hàng. “Nền kinh tế vẫn đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, khiến thu nhập của người dân giảm sút và khả năng trả nợ của họ cũng bị ảnh hưởng. Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa trong các lĩnh vực sử dụng nhiều lao động như sản xuất và xuất khẩu, vốn là đối tượng vay tiêu dùng lớn, gặp khó khăn trong kinh doanh, dẫn đến tình trạng không thể trả nợ đúng hạn”, nữ tiến sĩ cho biết.
Theo bà, lãi suất và chi phí vay cao cũng là một trong những nguyên nhân làm giảm tăng trưởng tín dụng tiêu dùng. Đối với việc tỷ lệ nợ xấu gia tăng, nguyên nhân chính là việc quản lý rủi ro chưa hiệu quả, dẫn đến việc các tổ chức tín dụng phê duyệt khoản vay cho những người có khả năng trả nợ thấp. Ngoài ra, người vay có thể không được cung cấp đầy đủ thông tin về điều kiện vay, lãi suất và các khoản phí liên quan, dẫn đến việc họ không lường trước được toàn bộ chi phí phải trả.
Ngoài ra, TS Đào Lê Trang Anh cũng nhấn mạnh về làn sóng đáng lo ngại hiện nay là “bùng” nợ có chủ đích từ phía khách hàng, trong khi chế tài với khách hàng “bùng” nợ chưa cao và khó thực hiện khởi kiện với những khoản nợ giá trị nhỏ.
Trước thực trạng này, nhiều chuyên gia vẫn nhận định rằng thị trường tài chính tiêu dùng vẫn còn nhiều triển vọng phát triển khi mà quy mô tín dụng tiêu dùng của Việt Nam mới đạt hơn 10% GDP, thấp hơn nhiều so với một số quốc gia, vùng lãnh thổ khác trong khu vực như Hàn Quốc hơn 40% GDP, Hồng Kông (Trung Quốc) hơn 20%. Theo TS Nguyễn Tuấn Anh, năm 2024 sẽ mở ra một giai đoạn tăng trưởng mới của tín dụng tại Việt Nam, đề cao sự cẩn trọng trong hoạt động giải ngân, hướng tới lộ trình tăng trưởng bền vững, thay vì tăng trưởng nóng như mấy năm qua.
“Sau một năm đầy khó khăn, kỳ vọng thị trường tài chính tiêu dùng năm nay sẽ dần được cải thiện. Khi người lao động tăng việc làm, tăng thu nhập, dư nợ cho vay tiêu dùng sẽ có kỳ vọng tăng, khả năng trả nợ cũ để vay mới cũng sẽ diễn ra tích cực hơn. Một số công ty tài chính vẫn đặt mục tiêu lãi hàng trăm đến hàng nghìn tỷ trong năm nay, cho thấy rằng kỳ vọng của các công ty này về thị trường cho vay tiêu dùng đang trở lại lạc quan”, TS Nguyễn Tuấn Anh cho biết.
Ngoài ra, tín hiệu từ các thương vụ M&A cũng cho thấy thị trường cho vay tiêu dùng vẫn còn thu hút đáng kể sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, ngay từ những tháng đầu năm 2024, thị trường tài chính tiêu dùng đã đón nhận thương vụ M&A của nhà đầu tư Thái Lan và Home Credit Việt Nam.
“Thương vụ này là tín hiệu tích cực về sự tin tưởng của các nhà đầu tư nước ngoài vào tiềm năng và sự phát triển bền vững của kinh tế Việt Nam. Trong bối cảnh các công ty Fintech đang bùng nổ và đạt được các lợi thế cạnh tranh, các nhà đầu tư ngoại vẫn nhìn thấy tiềm năng hợp tác và đầu tư vào các công ty này để khai thác thị trường”, TS Đào Lê Trang Anh cho hay.