Tại TP.HCM, nhà hàng Súp Bào Ngư Vi Cá Ông Sủi nơi từng được nhiều nghệ sĩ Việt như Sam, Ngô Kiến Huy, Diệp Lâm Anh, Cris Phan… ghé thăm. Mới đây đã giới thiệu món cơm chiên tôm trứng với mức giá gây chú ý: 208.000 đồng. Tuy nhiên, điều khiến dân mạng “nóng mặt” không phải giá tiền, mà là cách món ăn này được gọi là “giá sinh viên”.
Trong video quảng bá, chủ quán chi tiết hoá quy trình: sử dụng 350g tôm sú tươi, qua sơ chế còn 170g thịt tôm, chế biến bằng nhiều công đoạn kết hợp cùng 10 lòng đỏ trứng gà. Sự công phu được thể hiện rõ trong từng công đoạn, từ chiên đến hấp, đảo trứng để tạo độ bóng.

Theo góc nhìn ẩm thực, mức giá 208k cho phần ăn với nguyên liệu như vậy có thể chấp nhận được nếu so với mặt bằng chung các nhà hàng cao cấp. Đặc biệt, khi so sánh với các món như vi cá, bào ngư những “đặc sản” chính của quán thì cơm chiên này có thể xem là “món nhẹ nhàng” hơn.
Tuy nhiên, cụm từ “giá sinh viên” lại khiến nhiều người hiểu nhầm, nhất là trong bối cảnh chi tiêu đang ngày càng thắt chặt. Một số ý kiến cho rằng gọi như vậy là “marketing quá đà”, khiến khách hàng cảm thấy bị dắt mũi. Dân mạng để lại bình luận thẳng thắn: “Giá cao không sao, nhưng đừng gọi là sinh viên kẻo tụi nhỏ sốc văn hoá”.

Giữa lúc giá cả leo thang, việc định vị sản phẩm cần song hành cùng cảm xúc và kỳ vọng của khách hàng. Một món ăn, dù chất lượng ra sao, cũng sẽ gây phản ứng nếu cách gọi tên không phù hợp. Nhất là khi đối tượng nhắm đến là giới trẻ những người nhạy cảm với sự chân thật và minh bạch.