SPECIAL

Ngắm chim cánh cụt diễu hành về tổ trên đảo ở Australia

Mỗi ngày, Penguin Parade - cuộc diễu hành về tổ của hàng chục nghìn chim cánh cụt trên đảo Phillip thu hút nhiều du khách tới dõi theo.

Đảo Phillip, bang Victoria là nơi sinh sống của hơn 40.000 chim cánh cụt.

Khác với cánh cụt hoàng đế cao hơn một mét và nặng hơn 35 kg, cánh cụt nhỏ (hay cánh cụt tiên) là loài cánh cụt nhỏ nhất thế giới với chiều cao không quá 40 cm và cân nặng chỉ hơn một kg ở con trưởng thành. Chúng đào những hố nhỏ làm tổ trên các bãi cỏ lớn bên bờ biển và sống theo gia đình. Ban ngày, cánh cụt tiên đi kiếm ăn và chỉ về tổ khi trời tối.

Tâm Phan, 37 tuổi ở TP HCM, du lịch Australia tự túc trong tháng 10, cho biết quang cảnh hàng nghìn chim cánh cụt lạch bạch về tổ trên đảo Phillip là cảnh tượng thú vị, hấp dẫn bất kỳ du khách nào, đặc biệt là những gia đình có trẻ em.

Khoảng 19h, cuộc diễu hành về tổ của chim cánh cụt bắt đầu. Loài này về tổ theo mùa, hè về sớm, mùa đông xuân sẽ về muộn hơn.

Du khách được hướng dẫn ổn định chỗ ngồi để quan sát. Vị trí ngắm chim tốt nhất không phải trên khán đài mà ngay hành lang lối đi ra biển. Từ đây, từng đàn khoảng 10-15 con một nhóm sẽ lạch bạch chui vào tổ của mình. Hàng trăm du khách dõi theo từng bước đi của chúng. Khách không được chụp ảnh vì ánh đèn flash có thể làm hỏng mắt của cánh cụt. Trong 30 phút, nhiều du khách đứng trong ánh đèn vàng của khu bảo tồn say sưa nhìn ngắm hết đàn này đến đàn khác về tổ.

“Quan sát cuộc diễu hành của loài chim trước đó chỉ nhìn thấy trên mạng là trải nghiệm thú vị, đáng nhớ”, chị Tâm cho hay.

Đảo Phillip cách trung tâm thành phố Melbourne hai giờ lái xe. Cách tốt nhất để đến đây là thuê xe tự lái hoặc mua tour vì xa trung tâm và phương tiện công cộng bị hạn chế.

Theo website của Phillip Island Nature Park, nhiều năm nay, công viên đã thiết lập “bức tường lửa xanh” làm từ thảm thực vật để bảo vệ đa dạng sinh học và thân thiện với chim cánh cụt, bổ sung các loài thảo mộc mọng nước dành cho chim. Nhờ đó, số lượng chim cánh cụt trên đảo tăng từ 12.000 con vào những năm 1980 lên 40.000 con hiện nay.

Bên cạnh chim cánh cụt, công viên thiên nhiên này cũng bảo vệ hơn 330 loài bản địa gồm chim choi choi đầu đen, chim cắt đuôi ngắn, các loài chim di cư quốc tế cũng như động vật có vú như gấu túi, chồn túi, chuột túi Wallaby, hải cẩu lông Úc và dơi.

Đôi chim cánh chụt hiếm hoi về tổ sớm Tâm bắt gặp trên đường đến bãi chim.

Theo nữ du khách, tháng 10, chim thường về tổ muộn nên xe xuất phát từ trung tâm Melbourne vào buổi trưa. Tâm cùng bạn chọn tour của người Việt tại Melbourne để được đưa đón và tìm hiểu nhiều thông tin hơn.

Nếu di chuyển bằng xe tự lái, du khách có thể ghé thăm Công viên động vật hoang dã (Phillip Island Wildlife Parks) trên đảo, trong khi chờ đến giờ cánh cụt về tổ. Công viên nằm trên diện tích 60 mẫu Anh, là nơi sinh sống của hơn 100 loài động vật bản địa như đà điểu Emu, các loài chim đêm như Tawny Frogmouths và nhiều loài cú, vẹt. Thỉnh thoảng, du khách sẽ thực sự trải nghiệm cuộc chạm trán với động vật hoang dã, nhìn thấy kangaroo và wallaby đi lang thang.

“Bạn có thể dừng lại tự tay cho thú ăn và thậm chí vuốt ve chúng”, Tâm nói.

Mũi đảo Nobbies – một trong những điểm tham quan thú vị trong công viên, nơi trú ngụ của hàng nghìn chim hải âu và các loài chim biển. Khoảnh khắc đẹp nhất ở đây là hoàng hôn, khi những tia nắng cuối ngày rọi xuống mặt biển xanh ngắt, đẹp và bình yên, theo chị Tâm.

Một gia đình chim biển uống nước từ những giọt sương trên lá.
Du khách chỉ cần một mẩu bánh mì có thể “dụ” được cả đàn hải âu vây quanh để check in.

Để ngắm chim cánh cụt diễu hành, thời điểm đẹp nhất là tháng 11-12 khi loài vào mùa cao điểm sinh sản. Tháng 5/2022, đảo Phillip ghi nhận kỷ lục: chỉ trong một giờ, hơn 5.000 chim cánh cụt cùng diễu hành về tổ.

Trong ảnh là đoàn du khách nhí cho kangaroo ăn trên đảo Phillip.