Bí Quyết Spa

Ngành làm đẹp có còn “đẹp” khi AI trở thành đối thủ?

MCS- Sự phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo (AI) đang tái định hình ngành thẩm mỹ. Nhiều vị trí từng được xem là không thể thay thế, nay lại đứng trước nguy cơ bị đào thải.

Ngành thẩm mỹ từng được xem là lĩnh vực mang tính cá nhân hóa cao, đòi hỏi sự tương tác giữa con người với con người. Tuy nhiên, cùng với làn sóng số hóa và công nghệ AI phát triển mạnh, các spa và trung tâm làm đẹp hiện đại đang dần tự động hóa quy trình chăm sóc khách hàng.

Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, người dùng có thể tải về ứng dụng phân tích da. Một bức ảnh chụp cận mặt lập tức được AI xử lý, trả về các chỉ số như độ ẩm, sắc tố, nếp nhăn cùng với đề xuất sản phẩm hoặc liệu trình phù hợp. Tiếp đó, chatbot thay lễ tân thực hiện các thao tác đặt lịch, nhắc hẹn, thậm chí gửi định vị đến spa gần nhất. Tất cả diễn ra chỉ trong vài phút, không cần sự can thiệp của bất kỳ nhân sự nào.

AI lấn sân ngành thẩm mỹ
AI lấn sân ngành thẩm mỹ.

Cùng với đó, các hệ thống CRM tích hợp AI được nhiều đơn vị sử dụng để tự động hóa việc chăm sóc khách hàng. Những nền tảng như Zalo OA, Facebook Messenger với chức năng tự động phản hồi không chỉ thay thế công việc của lễ tân mà còn đảm bảo độ chính xác cao, không sai sót và không bị gián đoạn bởi yếu tố con người.

Robot nối mi, soi da tự động: Công nghệ vượt qua kỹ năng truyền thống

Nếu như trước đây, nối mi là một kỹ thuật đòi hỏi tay nghề cao và sự khéo léo của người thợ, thì hiện nay, công nghệ đã cho phép thực hiện công việc này bằng máy móc. Tại Mỹ, startup LUUM đã phát triển thành công robot nối mi có khả năng sử dụng thị giác máy tính để định vị mí mắt, từ đó thực hiện thao tác gắn mi nhân tạo với độ chính xác cao.

Tại Hàn Quốc và Nhật Bản, khách hàng có thể đến các spa tích hợp công nghệ soi da AI như OBSERV, VISIA hay Skin Genius – những hệ thống có thể phân tích tình trạng da, xuất báo cáo và đề xuất sản phẩm chỉ trong vài giây. Điều đáng chú ý là các thiết bị này hoạt động hoàn toàn độc lập, không cần sự hỗ trợ từ kỹ thuật viên.

Xu hướng này cho thấy sự dịch chuyển rõ rệt từ kỹ năng tay nghề sang khả năng tích hợp và vận hành công nghệ. Khi AI có thể thực hiện thao tác nhanh, chính xác và không bị ảnh hưởng bởi yếu tố cảm xúc hay sức khỏe, người lao động trong ngành làm đẹp bắt đầu đứng trước nguy cơ mất việc nếu không kịp thích nghi.

Nhân sự spa đứng trước bài toán chuyển đổi.
Nhân sự spa đứng trước bài toán chuyển đổi.

Trong ngành dịch vụ, đặc biệt là thẩm mỹ, trải nghiệm khách hàng từng được đặt lên hàng đầu. Các vị trí như lễ tân, nhân viên soi da hay kỹ thuật viên làm móng thường là những người trực tiếp tạo dựng cảm xúc và sự tin tưởng với khách. Tuy nhiên, điều này đang dần thay đổi.

Với khả năng hoạt động liên tục 24/7, AI mang lại hiệu quả mà con người khó lòng cạnh tranh. Chatbot có thể phục vụ hàng trăm lượt khách trong cùng một thời điểm, tránh được các sai sót trong khâu ghi nhận thông tin. Trong khi đó, robot nối mi hay sơn móng tự động có thể cho ra kết quả đều màu, không lem, không rung tay điều mà ngay cả thợ lành nghề đôi lúc cũng gặp khó khăn.

Sự thay thế ấy không đơn thuần là mất một công việc. Nó còn kéo theo sự thay đổi toàn diện về cách ngành làm đẹp vận hành. Nếu không cập nhật kỹ năng mới, hiểu rõ về công nghệ đang sử dụng và biết cách tương tác hiệu quả với máy móc, người lao động có nguy cơ bị đào thải dù đã có nhiều năm kinh nghiệm.

Công nghệ tạo áp lực mới: Con người cần “người hơn”

Trí tuệ nhân tạo tuy mạnh mẽ, nhưng vẫn tồn tại những giới hạn. Các yếu tố như cảm xúc, sự thấu hiểu hay khả năng giao tiếp tinh tế vẫn là lợi thế của con người. Tuy nhiên, lợi thế đó chỉ phát huy nếu được đặt trong một môi trường làm việc có sự kết hợp giữa công nghệ và con người.

Câu hỏi đặt ra là: liệu người trong ngành làm đẹp có đủ nhanh để thích nghi? Khi những giá trị truyền thống như sự tận tâm, khéo léo, tỉ mỉ không còn là yếu tố quyết định duy nhất, người lao động cần làm mới mình, không chỉ về kỹ năng nghề mà còn về năng lực công nghệ.

Thực tế cho thấy, AI càng phát triển bao nhiêu, thì đòi hỏi về chiều sâu con người càng lớn bấy nhiêu. Trong bối cảnh đó, khả năng tồn tại không còn phụ thuộc vào “tay nghề lâu năm”, mà vào việc ai có thể thích nghi tốt hơn với cuộc chơi mới nơi AI không còn là công cụ hỗ trợ, mà là đối thủ trực tiếp.