Một nghiên cứu mới do nhóm nhà khoa học tại Đại học Hebrew Jerusalem (Israel), phối hợp với các chuyên gia từ Đại học Duke và Đại học Massachusetts (Mỹ), đã cung cấp cái nhìn sâu sắc về cách thuốc lá gây tổn thương ADN. Theo kết quả đăng tải trên tạp chí Nucleic Acids Research, các nhà khoa học đã tìm ra sự khác biệt trong khả năng sửa chữa ADN giữa các vùng gen khác nhau, từ đó lý giải tại sao một số người hút thuốc có nguy cơ mắc ung thư cao hơn những người khác.
Cụ thể, nghiên cứu chỉ ra rằng các vùng ADN hoạt động mạnh có thể bị tổn thương nhiều hơn, nhưng đồng thời, chúng cũng có khả năng tự phục hồi tốt hơn. Ngược lại, những vùng ADN ít hoạt động có xu hướng khó sửa chữa, tạo điều kiện cho đột biến gen phát triển, làm gia tăng nguy cơ ung thư phổi. Phát hiện này mở ra hướng đi mới trong việc tầm soát sớm ung thư dựa trên yếu tố di truyền, giúp phát hiện những người có nguy cơ cao ngay cả khi họ chưa có triệu chứng.

Dựa trên những phát hiện này, các nhà khoa học đang nghiên cứu nhiều biện pháp có thể giúp giảm thiểu rủi ro ung thư phổi, đặc biệt là đối với những người hút thuốc.
Một số hướng tiếp cận đang được xem xét gồm:
Xét nghiệm di truyền: Dựa trên thông tin về khả năng sửa chữa ADN, các bác sĩ có thể đưa ra dự đoán chính xác hơn về nguy cơ ung thư ở từng cá nhân.
Sàng lọc ung thư cá nhân hóa: Nếu xác định được dấu ấn sinh học liên quan đến đột biến gen do khói thuốc, việc phát hiện ung thư ở giai đoạn đầu sẽ trở nên hiệu quả hơn.
Phát triển thuốc bảo vệ ADN: Một số hợp chất có khả năng hỗ trợ tế bào sửa chữa tổn thương có thể được nghiên cứu để ứng dụng trong phòng ngừa ung thư.
Ứng dụng liệu pháp gien: Việc can thiệp trực tiếp vào cơ chế phục hồi ADN có thể giúp giảm nguy cơ đột biến gen ở người hút thuốc.
Với những phát hiện này, nghiên cứu không chỉ giúp làm rõ cách thuốc lá gây ung thư mà còn mở ra cánh cửa cho những phương pháp phòng ngừa cá nhân hóa, giúp bảo vệ sức khỏe cho hàng triệu người trên thế giới.