Xu hướng

Người trẻ đối mặt nợ nần vì đam mê máy gắp thú bông

MCS- Từ niềm vui giản đơn đến áp lực tài chính, trò chơi gắp thú bông đang trở thành nguyên nhân khiến nhiều người trẻ Hong Kong rơi vào vòng xoáy nợ nần.

Sự hấp dẫn không cưỡng lại của máy gắp thú bông

Máy gắp thú bông xuất hiện khắp các khu phố đông đúc tại Hong Kong, trở thành hình thức giải trí phổ biến với phần thưởng là những món đồ chơi dễ thương như thú nhồi bông, nhân vật hoạt hình. Trò chơi này không chỉ mang lại niềm vui tức thì mà còn khiến người chơi cảm thấy thành tựu khi “gắp” được món đồ yêu thích.

Solo Young, 29 tuổi chia sẻ rằng ban đầu anh chơi chỉ để giải trí, nhưng sau đó nhanh chóng bị cuốn vào trò chơi này. Trong vòng 6 tháng, anh đã chi tới 50.000 HKD (163 triệu đồng) một số tiền vượt xa khả năng chi tiêu hàng tháng của mình. Young cho biết cảm giác hồi hộp khi chơi và niềm vui khi thắng cuộc khiến anh không thể dừng lại.

Marco Chan, một người chơi khác tiết lộ anh đã chi khoảng 30.000 HKD mỗi năm. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng là niềm vui, nhiều người rơi vào cảnh nợ nần và mất kiểm soát tài chính vì trò chơi này.

Khi thú vui biến thành gánh nặng.
Khi thú vui biến thành gánh nặng.

Theo báo cáo của Hội đồng Người tiêu dùng Hong Kong, số lượng khiếu nại liên quan đến máy gắp thú bông đã tăng mạnh, cho thấy ngày càng nhiều người bị ảnh hưởng tiêu cực bởi trò chơi này. Một số người chơi không chỉ tiêu hết tiền tiết kiệm mà còn vay nợ để thỏa mãn cơn nghiện.

Lawrence Lee Siu-ki, chuyên gia tư vấn tại Trung tâm Caritas, cho biết máy gắp thú bông đang dần biến tướng thành một dạng cờ bạc. Những món đồ chơi giá trị cao và cảm giác chinh phục khiến nhiều người không thể dừng lại, dẫn đến vòng lặp tiêu cực: chi tiền để chơi, thất bại, rồi lại chi thêm tiền.

Một trường hợp điển hình là cô gái ngoài 20 tuổi, vay hơn 100.000 HKD để chơi gắp thú bông. Khi không thể trả nợ, cô tiếp tục vay thêm để duy trì cuộc sống hàng ngày, dẫn đến áp lực tâm lý nặng nề.

Lời cảnh tỉnh dành cho người chơi

Các chuyên gia nhận định, cơn nghiện máy gắp thú bông bắt nguồn từ việc không thể chấp nhận thất bại. Người chơi thường cảm thấy tức giận hoặc thất vọng khi không gắp được món đồ yêu thích, dẫn đến việc tiếp tục chi tiền với hy vọng “gỡ gạc”. Tuy nhiên, sự hài lòng đạt được chỉ là tạm thời, và họ nhanh chóng rơi vào vòng xoáy mất kiểm soát.

Để tránh rủi ro, chuyên gia Lee khuyến cáo người chơi nên đặt giới hạn tài chính trước khi bắt đầu và chấp nhận khả năng ra về tay trắng. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần có biện pháp quản lý chặt chẽ hơn đối với ngành công nghiệp này, đảm bảo trò chơi gắp thú bông không biến tướng thành cờ bạc trá hình.

 Người chơi cần tỉnh táo và đặt ra giới hạn cho bản thân.
Người chơi cần tỉnh táo và đặt ra giới hạn cho bản thân.

Máy gắp thú bông, từ một thú vui giản đơn, đang trở thành vấn đề xã hội tại Hong Kong. Câu chuyện của những người trẻ bị cuốn vào vòng xoáy nợ nần là lời cảnh tỉnh cho những ai đam mê trò chơi này. Quan trọng hơn, cần có sự vào cuộc của cộng đồng và các tổ chức để biến trò chơi trở lại đúng nghĩa giải trí, thay vì trở thành gánh nặng tâm lý và tài chính.