SPECIAL

Nhảy việc giữa “bão lay-off” sẽ là cơ hội hay rủi ro cho giới trẻ?

MCS- Cắt giảm nhân sự ồ ạt khiến nhiều người lao động lo lắng, nhưng với một số người trẻ, đây lại là thời điểm vàng để chủ động chuyển mình. Nhảy việc giờ không chỉ là tìm một công việc mới, mà còn là bước đi chiến lược để nâng cấp bản thân. Nhưng liệu đây có phải là con đường tắt dẫn đến thành công hay chỉ là một canh bạc đầy rủi ro?

Không ai muốn nhận email sa thải, nhưng có nên chủ động “rời thuyền”?

Năm 2025 chưa kịp nóng lên thì thị trường lao động đã “lạnh toát” với loạt tin lay-off từ những ông lớn trong ngành công nghệ, tài chính, bán lẻ. Hộp thư công ty trở thành nỗi ám ảnh của nhiều nhân viên, chỉ một dòng email cũng có thể đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp hiện tại.

Năm 2025 mở đầu với hàng loạt thông báo cắt giảm nhân sự, từ lĩnh vực công nghệ, tài chính đến bán lẻ.
Năm 2025 mở đầu với hàng loạt thông báo cắt giảm nhân sự, từ lĩnh vực công nghệ, tài chính đến bán lẻ.

Nhưng trong khi một số người nơm nớp lo sợ, không ít bạn trẻ lại chọn cách chủ động nhảy việc không phải để “tránh bão” mà để tự đẩy mình đến những cơ hội tốt hơn. Họ tin rằng nếu cứ ngồi yên chờ sóng qua, cơ hội nâng cấp sẽ mãi là điều xa vời.

Thế nhưng, nhảy việc thời điểm này có thực sự là một nước đi khôn ngoan, hay chỉ là một bước trượt đầy rủi ro?

Nhảy việc không chỉ vì tiền, mà vì cả tương lai

Ngọc Anh một nhân viên Quản lý chất lượng cho biết cô từng nghĩ rằng ổn định nghĩa là gắn bó lâu dài với một công ty. Nhưng sau một đợt cắt giảm nhân sự diện rộng, cô nhận ra rằng ổn định không đến từ số năm kinh nghiệm mà đến từ khả năng thích nghi.

“Ở lại không còn là phương án an toàn nếu mình không học thêm gì mới. Nếu muốn phát triển, tốt nhất là chủ động tìm kiếm cơ hội thay vì bị động chờ đợi”, Lan Phi chia sẻ.

Khi "ổn định" không còn là yếu tố quyết định.
Khi “ổn định” không còn là yếu tố quyết định.

Minh Đăng nhân viên văn phòng cũng có quyết định táo bạo khi bỏ công việc hiện tại để đầu tư vào một khóa học UI/UX. Minh tin rằng, trong thời đại mà kỹ năng quyết định tất cả, không ai có thể “sống sót” lâu dài nếu không liên tục nâng cấp bản thân.

Nhưng không phải ai cũng sẵn sàng để nhảy việc một cách bài bản. Huy Lê, trưởng nhóm thiết kế, cảnh báo về tâm lý FOMO của nhiều bạn trẻ: “Nhìn thấy bạn bè đổi công ty, tăng lương rồi vội vàng đi theo mà không có kế hoạch rõ ràng là sai lầm lớn nhất. Nếu không thực sự có nền tảng tốt, rất dễ bị loại ngay từ vòng CV”.

Nhảy có tính toán hay nhảy để rồi… rớt?

Nhảy việc không chỉ là đổi một công ty khác, mà còn là quá trình đầu tư vào chính mình. Một CV đẹp có thể giúp bạn qua cửa sơ tuyển, nhưng nếu không có năng lực thực sự, bạn vẫn sẽ bị loại khi chưa kịp làm quen với công việc mới.

Không chỉ kỹ năng chuyên môn, yếu tố tài chính cũng là vấn đề đáng cân nhắc. “Nếu không có khoản tiết kiệm ít nhất 3-6 tháng sinh hoạt phí, nhảy việc có thể biến bạn thành con nợ thay vì mở ra tương lai tươi sáng”,Minh Đăng chia sẻ.

Nhìn chung, nhảy việc có thể là một bước đột phá nếu bạn thực sự sẵn sàng. Nhưng nếu chỉ là một quyết định cảm tính, thiếu chuẩn bị, rất có thể bạn sẽ tự đẩy mình vào thế khó hơn.