Ngày 13/12, khi nhận được thư trúng tuyển ngành luật từ Đại học Harvard, Phan Linh Lan, nữ sinh lớp 12 của trường quốc tế Concordia tại Hà Nội, đã vỡ òa cảm xúc. Đây không chỉ là cột mốc quan trọng trong cuộc đời cô mà còn là niềm tự hào lớn cho trường Concordia, khi lần đầu tiên có một học sinh trúng tuyển vào ngôi trường danh giá hàng đầu thế giới.
Hành trình đến với Harvard của Linh Lan không phải câu chuyện ngẫu nhiên. Ngay từ lớp 6, cô đã chuyển từ một trường quốc tế Anh – Úc sang học tại Concordia để theo đuổi ước mơ du học Mỹ. Linh Lan chia sẻ rằng, việc yêu thích Đại học Harvard xuất phát từ những bộ phim và tài liệu cô tiếp xúc từ nhỏ, thôi thúc cô đặt ra mục tiêu dài hạn.
Từ lớp 6 đến lớp 8, Linh Lan bắt đầu ôn luyện cho kỳ thi ACT, một kỳ thi chuẩn hóa được nhiều trường đại học hàng đầu ở Mỹ sử dụng để xét tuyển. Năm lớp 9, cô đạt giải nhất trong cuộc thi nghiên cứu AI JAM với dự án bảo tồn loài chim nguy cấp bằng công nghệ AI. Đến lớp 10, cô tiếp tục đoạt giải nhất tại cuộc thi về phát hiện lỗi đường bộ, thể hiện khả năng sáng tạo vượt bậc trong việc kết hợp công nghệ với các vấn đề thực tiễn.
Thành tích của Linh Lan không dừng lại ở đó. Cô còn đảm nhận vị trí Chủ tịch DECA Việt Nam, tổ chức phi lợi nhuận quốc tế chuyên về kỹ năng kinh doanh và quản lý dành cho học sinh. Trong thời gian này, cô đã tổ chức nhiều hoạt động giúp đỡ các bạn học sinh khác rèn luyện kỹ năng, đồng thời phát triển thêm nhiều dự án cá nhân về lịch sử và chính trị.
Bài luận lịch sử chinh phục Harvard
Trong hồ sơ nộp đến Đại học Harvard, Linh Lan phải viết một bài luận chính dài 650 từ và 5 bài luận phụ. Điều đặc biệt nằm ở bài luận chính nơi cô chọn viết về niềm đam mê lịch sử và cách gìn giữ giá trị văn hóa dân tộc trong thời đại số hóa.
Linh Lan kể lại những ảnh hưởng từ gia đình, đặc biệt là người cha, người thường xuyên cho cô xem các bộ phim lịch sử Việt Nam từ nhỏ. Những tác phẩm này đã tạo nền móng cho tình yêu của cô với văn hóa và lịch sử, đồng thời thôi thúc cô khám phá cách sử dụng công nghệ để lưu giữ những câu chuyện truyền thống.
Câu chuyện gia đình cũng được cô khéo léo lồng ghép trong một bài luận phụ, nơi Linh Lan kể về trải nghiệm lần đầu tham gia công việc kinh doanh của bố mẹ khi mới 12 tuổi. Trong những chuyến công tác tại Canada, Hàn Quốc, cô đã sử dụng tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha để làm phiên dịch, giúp bố mẹ trao đổi với các đối tác quốc tế. Những trải nghiệm này không chỉ giúp Linh Lan nhận thức được tầm quan trọng của ngôn ngữ mà còn củng cố ước mơ xây dựng sự nghiệp trong lĩnh vực luật kinh tế.
Ngoài ra, trong hai mùa hè liên tiếp từ lớp 10 lên lớp 11 và từ lớp 11 lên lớp 12, Linh Lan tham gia các trại hè tại Đại học Harvard, nơi cô học những môn như luật và lịch sử. Những trải nghiệm này không chỉ giúp cô làm quen với môi trường học tập tại đây mà còn khơi dậy thêm khát khao chinh phục ngôi trường danh giá này.
Vượt trội cả trong học thuật và ngoại khóa
Bên cạnh bài luận xuất sắc, Linh Lan còn ghi điểm nhờ thành tích học tập ấn tượng. Cô đạt 35/36 điểm trong kỳ thi ACT, nằm trong top 1% thí sinh có điểm số cao nhất toàn cầu. Chương trình học tại Concordia, với các lớp nâng cao (AP), giúp cô phát triển toàn diện kỹ năng tư duy phản biện và khả năng giải quyết vấn đề.
Ngoài học thuật, Linh Lan còn thể hiện xuất sắc ở các lĩnh vực thể thao và nghệ thuật. Từ nhỏ, cô đã giành nhiều huy chương vàng bơi lội và tham gia các giải đấu bóng đá, bóng rổ quốc tế tại Malaysia, Thái Lan. Không chỉ vậy, cô còn chơi thành thạo nhiều loại nhạc cụ, từ piano, violin đến đàn tranh, tạo nên một hình ảnh học sinh toàn diện cả về trí tuệ lẫn năng khiếu.
Linh Lan chia sẻ rằng, việc trúng tuyển Harvard mới chỉ là bước đầu tiên trên hành trình chinh phục ước mơ. Cô dự định theo học ngành luật kinh tế và tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về mối liên hệ giữa lịch sử, văn hóa và kinh tế trong thời đại toàn cầu hóa. Đồng thời, cô cũng bày tỏ mong muốn học thêm ngoại ngữ mới để mở rộng hiểu biết và kết nối với nhiều nền văn hóa khác nhau.
Thầy Ben Compton, cố vấn đại học tại Concordia, nhận xét: “Linh Lan không chỉ là một học sinh xuất sắc về học thuật mà còn có tấm lòng nhân hậu và tình yêu sâu sắc với lịch sử văn hóa. Cô ấy luôn tìm cách kết nối quá khứ với hiện tại, biến việc học thành hành trình cá nhân hóa, không ngừng tìm kiếm giá trị mới.”