Văn Hoá Đa Sắc

Phiên chợ Lá trên núi Bà Đen: Mua đặc sản không cần tiền, chỉ cần một chiếc lá bồ đề

MCS- Vào mỗi thứ Bảy trong tháng 6, núi Bà Đen - ngọn núi cao nhất Nam Bộ lại trở thành tâm điểm khi tái hiện phiên chợ Lá độc đáo.

Không phải lần đầu tiên Tây Ninh tổ chức chợ Lá, nhưng lần nào cũng mang đến cho du khách cảm giác vừa lạ lẫm vừa gần gũi. Bắt đầu từ 17h đến 19h, các phiên chợ Lá trên đỉnh núi Bà Đen được tổ chức đều đặn vào mỗi thứ Bảy trong tháng 6. Trước đó, từ 16h đến 18h, mỗi du khách khi đi cáp treo lên núi sẽ được phát một chiếc lá bồ đề “đơn vị trao đổi” duy nhất trong chợ.

Lá không mang mệnh giá, không bị quy đổi, cũng không mang theo bất kỳ giá trị kinh tế nào, nhưng lại đủ sức “mua” được niềm vui, ký ức và những món ăn thấm đẫm vị quê. Các sạp hàng san sát nhau, bán đủ các loại bánh truyền thống như bánh tráng, bánh ít, bánh ú, bánh da lợn, bánh xu xê… cùng nhiều món ăn dân dã như chè, xôi, khoai, sắn. Tất cả đều được gói ghém bằng sự chân tình của người bán và sự trân trọng của người mua.

Một phiên chợ không tiền nhưng đong đầy ký ức.
Một phiên chợ không tiền nhưng đong đầy ký ức.Ảnh: nguồn ảnh Internet 

Theo lời kể của người dân địa phương, phiên chợ Lá đầu tiên bắt nguồn từ tấm lòng thiện nguyện của ông Bùi Quốc Thái – một lương y sống tại thị xã Hòa Thành. Từ một hình thức chia sẻ giữa cộng đồng, chợ Lá dần trở thành một hoạt động văn hoá mang tính biểu tượng của Tây Ninh, đặc biệt vào dịp Rằm tháng Giêng hằng năm thời điểm người dân thường hướng đến sự bình an và thiện lành.

Trải qua nhiều năm, chợ Lá không chỉ là nơi trao đổi vật phẩm mà còn là dịp để người dân và du khách kết nối qua từng câu chuyện, từng nụ cười, từng món ăn. Không phân biệt tuổi tác, địa phương hay tầng lớp, phiên chợ mộc mạc này đưa mọi người về lại với tinh thần cộng đồng giản dị và gắn bó.

Không gian đậm chất quê giữa đỉnh núi thiêng
Không gian đậm chất quê giữa đỉnh núi thiêng.Ảnh: nguồn ảnh Internet

Tại núi Bà Đen nơi được mệnh danh là nóc nhà Nam Bộ – chợ Lá không chỉ đơn thuần là nơi mua bán. Những gian hàng được dựng bằng lá, những người bán khoác trên mình áo bà ba, quàng khăn rằn, tạo nên một bức tranh làng quê yên bình giữa khung cảnh núi rừng khoáng đạt. Nhiệt độ trên đỉnh núi luôn thấp hơn khu vực trung tâm thành phố từ 8 đến 10 độ C, càng khiến cho trải nghiệm dạo chợ thêm phần thư thái.

Phiên chợ còn là không gian hội tụ của nhiều trò chơi dân gian và hoạt động văn nghệ truyền thống. Các điệu múa, tiếng trống, tiếng cười rộn ràng vang vọng quanh khu vực chợ như gợi lại hình ảnh những phiên chợ làng xưa vốn đang dần mất hút trong nhịp sống hiện đại.

Lá bồ đề – biểu tượng của sẻ chia và hoài niệm
Lá bồ đề – biểu tượng của sẻ chia và hoài niệm.

Điều khiến nhiều du khách ấn tượng không nằm ở món ăn hay cách bày biện, mà chính là cảm giác được tham gia vào một nghi thức trao đổi không dựa trên tiền bạc, mà bằng sự sẻ chia. Mỗi chiếc lá bồ đề như một tấm vé đưa người ta trở về với tuổi thơ, với ký ức, và trên hết với bản chất nguyên sơ của tình người.

Sau khi dạo chợ, nhiều người còn nán lại để tham gia lễ dâng đăng tại quảng trường Tây Bổ Đà Sơn. Đây là nơi hàng nghìn ngọn đèn đăng được thắp sáng giữa không gian linh thiêng, mỗi người đều có thể viết lên đó điều ước của mình để dâng lên chư Phật. Trong ánh sáng lung linh ấy, những ngày hè tại núi Bà Đen như trở nên lặng hơn, sâu hơn và đầy tính thiền vị.