Văn Hoá Đa Sắc

“Phiên chợ tình” trở thành cơn “sốt” gieo vần khiến mạng xã hội hóa… chợ thơ

MCS- Gần đây, cộng đồng mạng đang "rần rần" vì những câu thơ bắt đầu bằng “Phiên chợ tình” hoặc “Phiên chợ đông”, biến nó thành một trào lưu thú vị khiến không ít người phải ngỡ ngàng với độ sáng tạo vô hạn của giới trẻ.

Những câu thơ với hai cụm từ quen thuộc “Phiên chợ tình” và “Phiên chợ đông” đã nhanh chóng trở thành đề tài hot trên các nền tảng mạng xã hội. Chúng xuất hiện ở đủ thể loại từ thơ lãng mạn, hài hước đến những câu châm biếm hay lầy lội. Cộng đồng mạng đã thể hiện khả năng sáng tạo phong phú của mình khi “chế” những câu thơ thú vị từ các câu ca dao nổi tiếng.

Một số câu thơ dễ dàng nhận diện nhất có thể kể đến như: “Phiên chợ tình, em mua nhầm bí đỏ. Thương anh rồi, em có bỏ được đâu” hay “Phiên chợ tình em cầm nhầm trái tắc. Tiền không một cắc mà rủ gì cũng theo”. Những câu thơ này không chỉ làm người đọc bật cười, mà đôi khi lại ẩn chứa những ý nghĩa sâu sắc, phản ánh nhiều cung bậc cảm xúc của con người trong cuộc sống.

Cộng đồng mạng đã tạo ra vô vàn biến tấu khác nhau.
Cộng đồng mạng đã tạo ra vô vàn biến tấu khác nhau.

Trào lưu này xuất phát từ câu ca dao: “Phiên chợ đông con cá hồng anh chê nhạt. Phiên chợ tàn con cá bạc anh lại khen ngon”, nhưng giờ đây, nó không chỉ dừng lại ở việc “chế” câu thơ ngắn gọn mà đã lan rộng thành một “phiên chợ” thơ với vô số phiên bản độc đáo khác nhau.

Sự tham gia của các nghệ sĩ và sức lan tỏa mạnh mẽ 

Không thể phủ nhận, sức hấp dẫn của trào lưu này không chỉ thu hút giới trẻ mà còn lan đến cả các nghệ sĩ nổi tiếng. Ca sĩ Phùng Khánh Linh, ca sĩ Trọng Hiếu (S)TRONG, MC Thanh Thanh Huyền, và diễn viên Quang Tuấn đã tham gia “đu trend” này, cho thấy tầm ảnh hưởng của trào lưu lớn đến mức nào. Sự tham gia của các nghệ sĩ càng khiến “phiên chợ tình” và “phiên chợ đông” trở thành một phần của văn hóa mạng xã hội.

Mang đến những câu thơ "phiên chợ tình" đầy thú vị.
Mang đến những câu thơ “phiên chợ tình” đầy thú vị.

Dù là một trào lưu vui vẻ và đầy sáng tạo, nhưng cũng không ít ý kiến cho rằng việc chế thơ quá lạm dụng có thể dẫn đến những hiểu lầm hoặc khiến thơ trở nên thiếu tôn trọng đối với nguyên tác. Sự tự do quá mức trong cách “chế” thơ đôi khi có thể làm mất đi giá trị nghệ thuật của ca dao dân gian, thậm chí gây phản cảm với một bộ phận người xem.

Những câu thơ chế từ ca dao có thể mang lại tiếng cười, nhưng nếu thiếu sự tôn trọng với nguyên tác, có thể làm mất đi sự duyên dáng và thẩm mỹ của nó. Chế thơ không chỉ là “sáng tạo tự do” mà còn phải duy trì sự tôn trọng đối với văn hóa, ngôn ngữ và các giá trị văn học dân gian.