Là một trong bốn quận nội thành đầu tiên của Hà Nội, quận Ba Đình là một vùng đất “địa linh, nhân kiệt,” giữ vị trí trọng yếu của Kinh thành Thăng Long xưa.
Hiện nay, nơi đây trở thành Trung tâm Hành chính-Chính trị Quốc gia, là niềm tự hào của các thế hệ người Việt Nam và thủ đô Hà Nội.
Lịch sử hình thành và phát triển
Năm 1010, khi vua Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư về Đại La và đổi tên là Thăng Long, vùng đất Ba Đình đã được chọn là nơi xây dựng Hoàng Thành và cung điện của triều đình phong kiến, là vị trí trọng yếu của kinh thành Thăng Long xưa.
Quận Ba Đình nằm trên nền đất xưa vốn thuộc tổng Hữu Nghiêm (sau đổi là Yên Hòa), huyện Thọ Xương và các tổng Yên Thành, Nội, Thượng, Trung, huyện Vĩnh Thuận.
Trải qua hơn 10 thế kỷ, đến nay, Ba Đình vẫn luôn được xem là vùng đất địa linh nhân kiệt – trung tâm hành chính, chính trị của quốc gia, là nơi diễn ra các sự kiện trọng đại trong hoạt động đối nội, đối ngoại của Nhà nước
Trên mảnh đất này, ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã long trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, đưa đất nước ta vào kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với Chủ nghĩa xã hội. Năm 1954, sau khi thủ đô Hà Nội được giải phóng, đến năm 1959, tên gọi Ba Đình được đặt cho một trong 8 khu phố nội thành.
Ngày 31/5/1961, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định thành lập khu phố Ba Đình trên cơ sở sáp nhập các khu phố Trúc Bạch, Ba Đình và 3 xã nông nghiệp ngoại thành thuộc khu vực phía nam Hồ Tây. Năm 1981, khu phố Ba Đình đổi thành quận Ba Đình gồm 15 phường.
Hiện nay, quận Ba Đình phía Bắc giáp quận Tây Hồ, phía Đông giáp quận Hoàn Kiếm, phía Nam giáp quận Đống Đa, phía Tây giáp quận Cầu Giấy.
Các đơn vị hành chính 14 phường gồm Ngọc Hà, Đội Cấn, Cống Vị, Quán Thánh, Phúc Xá, Nguyễn Trung Trực, Trúc Bạch, Điện Biên, Thành Công, Giảng Võ, Kim Mã, Ngọc Khánh, Liễu Giai, Vĩnh Phúc.
Văn hóa, di tích, danh thắng
Trong cái nôi của nền văn minh sông Hồng, những cư dân của Ba Đình đã xây dựng được cho mình một bản sắc văn hóa làm nên một mảnh đất lịch sử với những di tích, danh thắng tiêu biểu của Thủ.
Đó là di tích Hoàng Thành Thăng Long, đền Quán Thánh, đền Voi Phục, chùa Một Cột, cột cờ Hà Nội, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng hàng trăm di tích lịch sử văn hóa khác.
Ngoài những công trình mang tính tiêu biểu, trên địa bàn quận Ba Đình hầu như phường nào cũng có những di tích hoặc cả một quần thể di tích. Phường Giảng Võ có đình Giảng Võ, chùa Lưu Ly; phường Điện Biên có khu thành cổ Hà Nội, chùa Thanh Ninh; phường Đội Cấn có chùa Bát Tháp; phường Ngọc Hà có đình Vĩnh Phúc, đền Đống Nước, chùa Bát Mẫu; phường Nguyễn Trung Trực có đình Giai Cảnh, chùa Phúc Lâm; phường Trúc Bạch có đền Cẩu Nhi, chùa Châu Long…
1. Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Khu di tích Phủ Chủ tịch, Lăng Bác và Bảo tàng Hồ Chí Minh tạo thành Quần thể di tích lịch sử, văn hóa Ba Đình.
Trong suốt những năm qua, nơi đây luôn hội tụ đồng bào từ khắp mọi miền của Tổ quốc về để bày tỏ tình cảm kính yêu đối với Bác Hồ và quyết tâm đi theo con đường mà Đảng và Bác đã lựa chọn. Bạn bè quốc tế đến đây để được chiêm ngưỡng người anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh.
2. Chùa Một Cột
Chùa Một Cột gọi theo ngữ Hán-Việt là Nhất Trụ Tháp hay Chùa Mật. Chùa còn có các tên gọi khác là Diên Hựu Tự hoặc Liên Hoa Đài. Không chỉ được đánh giá là ngôi chùa có kiến trúc nghệ thuật độc nhất ở Việt Nam cũng như châu Á, chùa Một Cột còn là điểm đến tâm linh, biểu tượng văn hóa ngàn năm của Hà Nội.
Chùa Một Cột được khởi công xây dựng vào năm Kỷ Sửu 1049, dưới thời vua Lý Thái Tông. Truyền thuyết kể rằng trong một giấc mộng, nhà vua nhìn thấy Phật Bà Quan Âm tọa trên một đài hoa sen và mời vua lên cùng. Sau khi tỉnh giấc, nhà vua liền kể lại câu chuyện với bề tôi. Nhà sư Thiền Tuệ liền khuyên nhà vua xây một ngôi chùa trên trụ đá giống trong giấc mơ làm tòa sen để Phật bà ngự ở trên.
Chùa được tạo dáng theo kiểu hình vuông, mỗi chiều 3 mét, mái cong, đặt trên một cột đá hình trụ đường kính 1,2m, cao 4m – nên gọi là Chùa Một cột. Phần chính của chùa là hệ thống những thanh gỗ lớn tạo thành khung kiên cố. Nhìn tổng quan ngôi chùa có hình tượng giống một đóa sen mọc lên từ mặt hồ.
3. Cột cờ Hà Nội
Cột cờ Hà Nội được xây dựng từ năm 1805, hoàn thành năm 1812, dưới thời Vua Gia Long triều Nguyễn trên phần đất phía nam của Hoàng thành Thăng Long, nơi xây tòa thành Tam Môn của Hoàng thành Thăng Long thời Lê.
Cột cờ Hà Nội là một trong số ít những công trình kiến trúc thuộc khu vực thành Hà Nội có may mắn thoát khỏi cuộc phá hủy do chính quyền đô hộ Pháp tiến hành trong ba năm 1894-1897.
Di tích này gồm ba tầng đế, thân cột hình trụ và lầu vọng canh bát giác, được xây từ năm 1805 trên phần đất phía Nam của Hoàng thành Thăng Long, cửa vào còn đề hai chữ “Kỳ Đài.” Toàn bộ Cột cờ có chiều cao 33,4m, kể cả trục treo cờ là trên 41m.
Hình tượng Cột cờ thường được vẽ hoặc in trên nhiều ấn phẩm văn hóa về Hà Nội, trên các món quà lưu niệm đươc các du khách ưa thích.
Vào những ngày lễ, đặc biệt là ngày Thống nhất Đất nước 30/4 và Quốc khánh 2/9, lá cờ đỏ tung bay trên nền trời xanh trong thể hiện niềm tự hào của mỗi người dân Việt Nam về một đất nước độc lập, tự do.
4. Hoàng thành Thăng Long
Hoàn thành Thăng Long, hay còn gọi là Thành cổ Hà Nội, mà một di tích lịch sử ẩn chứa rất nhiều chưng tích về một thời kỳ dài dựng nước và giữ nước của dân tộc. Công trình kiến trức đồ sộ này được các triều vua xây dựng trong nhiều giai đoạn lịch sử và trở thành di tích quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích Việt Nam.
Nơi này đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới của Việt Nam vào năm 2010. Tháng 12/2002, các chuyên gia đã tiến hành khai quật trên tổng diện tích 19.000m2 tại trung tâm chính trị Ba Đình – Hà Nội.
Cuộc khai quật khảo cổ học lớn nhất Việt Nam và của cả Đông Nam Á này đã phát lộ những dấu vết của Hoàng thành Thăng Long trong tiến trình lịch sử trải dài 13 thế kỷ với các di tích và tầng văn hóa chồng xếp lên nhau.
5. Đền Quán Thánh
Nằm ở ngã tư đường Quán Thánh và Thanh Niên, đền Quán Thánh là một trong “Tứ Trấn” của thành Thăng Long xưa, được xây dựng để bảo vệ kinh đô. Theo vị trí địa lý, Quán Thánh trấn giữ khu vực phía Bắc.
Trải qua các triều đại, đền Quán Thánh đã được trùng tu nhiều lần, nhưng về cơ bản thì không thay đổi nhiều, là một địa điểm tuyệt đẹp để ghé thăm. Đây là một trong những điểm tham quan nổi tiếng của Hà Nội, ghi dấu ấn lịch sử dựng nước và giữ nước vẻ vang của ông cha.
6. Vườn Bách Thảo
Vườn Bách Thảo là một công viên cây xanh được thành lập từ những năm đầu người Pháp đến đô hộ tại Việt Nam. Trải qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, vườn vẫn giữ được gần như nguyên vẹn những thảm thực vật đa dạng, những giống cây quý hiếm, cùng bầu không khí trong lành.
Với diện tích 10ha nằm trên địa phận phường Ngọc Hà, với cảnh quan thu nhỏ bao gồm cả núi, rừng và hồ nước, đây vẫn là chốn yên bình hiếm có giữa lòng thủ đô tấp nập, là lá phổi xanh của thành phố, nơi những cư dân đô thị tìm đến để nghỉ ngơi, vui chơi, thư giãn.
Ẩm thực
Tuy không phải là điểm đến hàng đầu của những tín đồ ẩm thực, quận Ba Đình vẫn có những nhà hàng, món ăn đặc trưng mà ai cũng biết đến.
1. Kem Hồ Tây
Giống như hồ Hoàn Kiếm có kem Tràng Tiền, hồ Tây cũng có kem Hồ Tây, nằm ngay đầu đường Thanh Niên, dựa lưng vào hồ Trúc Bạch.
Kem Hồ Tây nổi tiếng nhất là kem ốc quế, có giá rất rẻ, vị ngọt vừa phải, nhanh tan, và khá nhỏ.
Tuy không thể so sánh với các loại kem nổi tiếng của Tràng Tiền hay Thủy Tạ, nhưng đây cũng là một lựa chọn khá hợp lý cho những ai đang tận hưởng không gian lộng gió của Hồ Tây những chiều mùa Hè.
2. Bánh tôm Hồ Tây
Nằm trên đường Thanh Niên, cách không xa kem Hồ Tây, nhà hàng bánh tôm Hồ Tây cũng là một trong những địa chỉ nổi tiếng của Hà Nội, một điểm đến lâu năm đến mức người ta cho rằng người Hà Nội xưa hầu như ai cũng từng một lần ăn bánh tôm Hồ Tây tại đây.
Khác với những biến tấu của các nơi khác, với khoai bào vụn, hay bột bánh được trộn thêm nhiều loại gia vị, bánh tôm Hồ Tây nguyên bản chỉ gồm bột và tôm, được chiên giòn và cắt thành những nửa hình tròn nhỏ nhắn, vừa miệng, chấm với nước chấm có đu đủ xanh thái mỏng.
Món bánh tại nhà hàng này nhận được nhiều lời đánh giá khen chê khác nhau, nhưng có một đặc điểm cho tới nay không nhiều quán làm được, đó là bột bánh khô giòn và ráo dầu, ăn nhiều mà không ngán. Vị trí đẹp ven bờ Hồ Tây cũng là lý do để nhiều người lựa chọn địa điểm này.
3. Phở cuốn Ngũ Xã
Trong lúc các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng đang giành “danh hiệu” của các món phở nước, thì quận Ba Đình lại lặng lẽ cho ra mắt một món phở độc đáo khác hẳn, đó là món phở cuốn.
Chỉ mới ra đời vài chục năm trước, được chế biến đơn giản với bánh phở để nguyên miếng, cuốn với rau sống và thịt bò xào, nhưng món phở cuốn đã nhanh chóng biến phố Ngũ Xã, nằm cạnh hồ Trúc Bạch, trở thành một tụ điểm ăn uống đông vui tấp nập cho đến tận bây giờ, trở thành một thương hiệu “phở cuốn Ngũ Xã.”./.