Thực tế trong lĩnh vực điện ảnh đã cho thấy ranh giới giữa nghệ thuật và câu khách rẻ tiền từ việc sử dụng cảnh nóng trong phim luôn là bài toán khó buộc các nhà làm phim phải tỉnh táo cân nhắc, để tạo ra những tác phẩm nghệ thuật đích thực, được khán giả ghi nhận và yêu mến.
Dự kiến ra rạp vào ngày 12/4/2024 nhưng bộ phim B4S-Trước giờ “yêu” đã buộc phải dời lịch chiếu lùi lại so với kế hoạch ban đầu. Nguyên nhân là bởi bộ phim chưa được cấp phép phát hành do có một số vấn đề phải chỉnh sửa, bao gồm cả lời thoại, theo thông báo ngày 9/4 từ Cục Điện ảnh.
Dựa trên các đoạn trailer của phim đăng tải trên các mạng xã hội với tràn ngập cảnh nóng cùng những lời thoại nhạy cảm, được nhắc đi nhắc lại liên tục khiến không ít khán giả đặt câu hỏi liệu nội dung phim có đang cổ xúy cho lối sống thiếu phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc trong một bộ phận giới trẻ?
Chính vì thế nhiều khán giả đồng tình với việc phim hoãn chiếu để chỉnh sửa là cần thiết nhằm giúp bộ phim hoàn thiện hơn, bảo vệ các giá trị văn hóa và đạo đức xã hội, không gây ảnh hưởng tiêu cực đến người xem, nhất là khán giả trẻ.
Tiếp nhận góp ý từ phía cơ quan chức năng cũng như khán giả, ê-kíp làm phim đã kịp thời có những điều chỉnh phù hợp, mặt khác cũng làm rõ hơn thông điệp mà bộ phim muốn truyền tải đến người xem cho nên đã được Cục Điện ảnh thẩm định và đồng ý cấp phép phổ biến, và khởi chiếu tại rạp vào ngày 19/4.
Tuy nhiên qua sự việc này, nhiều ý kiến bày tỏ sự lo ngại về nguy cơ lạm dụng các cảnh nóng trong phim Việt đang ngày càng gia tăng, đặt ra không ít những vấn đề bất cập.
Thực tế cho thấy nhiều bộ phim trước khi ra rạp, công tác truyền thông nắm giữ vai trò hết sức quan trọng. Bởi nếu việc quảng bá hiệu quả sẽ giúp thu hút khán giả đến rạp để thưởng thức các bộ phim, góp phần mang lại doanh thu tốt cho nhà sản xuất. Việc truyền thông như thế nào cho ấn tượng, hấp dẫn, đạt hiệu quả luôn là thách thức với các nhà sản xuất.
Thời gian gần đây xu hướng truyền thông, quảng cáo quá nhấn mạnh đến những cảnh nóng trong phim dường như được một số nhà sản xuất ưa chuộng. Các thông điệp được truyền tải đó là “phim có nhiều cảnh nóng táo bạo hứa hẹn sẽ đem đến cho khán giả những cảm xúc bùng nổ”; “bộ phim có những phân cảnh “bỏng mắt” của diễn viên P. chính thức được hé lộ”; “người xem đỏ mặt khi thấy diễn viên A. thể hiện những phân cảnh “giường chiếu” vô cùng nóng bỏng và táo bạo, hoàn toàn khác biệt với hình tượng thanh lịch, an toàn như tất cả các dự án trước đó”;…
Việc quá coi trọng, đề cao những cảnh quay có yếu tố tình dục khiến nhiều khán giả phải đặt câu hỏi: Chẳng lẽ sự hấp dẫn của tác phẩm điện ảnh, giá trị của bộ phim mang đến cho người xem chỉ nằm ở các cảnh có yếu tố nêu trên hay sao?
Điều đáng nói là khi trực tiếp thưởng thức các bộ phim, chứng kiến những cảnh nóng nhiều khán giả cho biết không khỏi cảm thấy ức chế, khó chịu bởi sự vô lý, sống sượng, phản cảm.
Nhiều cảnh giường chiếu xuất hiện dày đặc nhưng không ăn nhập với nội dung của bộ phim, được khai thác quá mức với thời lượng kéo dài không cần thiết, làm giảm giá trị của tác phẩm điện ảnh, phá vỡ tính logic của câu chuyện, tác động tiêu cực đến cảm xúc của người xem. Thực tế những trường đoạn này hoàn toàn có thể lược bỏ mà không ảnh hưởng đến nội dung, diễn tiến của bộ phim.
Không chỉ nhiều phim ra rạp đua nhau tiết lộ hậu trường các cảnh quay nóng như một chiêu thức để gây sự chú ý với công chúng, sự lạm dụng các cảnh “giường chiếu” ở các phim chiếu mạng (web drama) mới thực sự đáng báo động.
Nhiều bộ phim để chiều theo thị hiếu tầm thường của một bộ phận khán giả đã câu khách bằng các tạo hình nhân vật phô bày tối đa da thịt, những cảnh phòng the, những mối quan hệ tay ba bất chấp luân thường đạo lý.
Không ít người do tò mò đã vào xem và chia sẻ rộng rãi, từ đây tác động tiêu cực đến nhận thức, hành vi của người sử dụng mạng, nhất là giới trẻ. Do tính chất mở của các nền tảng xuyên biên giới, hiện nay việc kiểm soát với các phim chiếu mạng, kịp thời ngăn chặn các phim có nội dung đồi trụy vẫn đang là thách thức không nhỏ đối với cơ quan chức năng.
Trước xu hướng phim Việt có phần lạm dụng các cảnh nóng để câu khách, một nhà phê bình điện ảnh thẳng thắn lên tiếng: “Nhiều đạo diễn cứ tưởng làm nhiều cảnh nóng là hay nhưng hóa ra lại là điều tệ, phản tác dụng nếu làm không tới hoặc không vừa vặn, hợp lý. Đừng để khán giả bị bội thực cảnh nóng! Nên hiểu rõ cảnh nóng hiện giờ đã không còn là yếu tố cần có để thu hút cho một bộ phim, bởi khán giả quan tâm nhiều hơn đến nội dung, câu chuyện, cách kể mới lạ, cuốn hút”.
Theo nhà sản xuất kiêm biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát thì cảnh nóng nên đặt trong bối cảnh cần thiết, cảnh nóng thế nào, đặt vào tình huống thế nào để nó xuất hiện có lý, rất thẩm mỹ chứ không phải thô tục.
Sẽ không có công thức hay quy định cứng nhắc đối với việc sử dụng những cảnh nóng trong phim bao nhiêu là phù hợp, điều này sẽ phụ thuộc vào nội dung, diễn biến, tình huống cụ thể của từng tác phẩm điện ảnh.
Trên cơ sở đó nhà làm phim sẽ phải có sự cân nhắc, tính toán cụ thể để đưa ra một “liều lượng” phù hợp. Mục tiêu cần hướng đến với mỗi tác phẩm điện ảnh đó là lôi cuốn, hấp dẫn chứ không phải sa đà vào những nội dung nhảm nhí, phản cảm.
Cần thấy rằng một tác phẩm điện ảnh thành công, hấp dẫn là tổng hòa của nhiều yếu tố từ kịch bản, diễn xuất, bối cảnh được dàn dựng… Do đó những cảnh nóng xuất hiện trong phim chỉ là một trong nhiều giải pháp nghệ thuật được sử dụng nhằm chuyển tải nội dung của các đạo diễn.
Có không ít bộ phim hoàn toàn không có những cảnh hở hang, không xuất hiện những mối tình oan trái, các cảnh phòng the song vẫn chiếm được cảm tình đặc biệt của khán giả, đạt doanh thu tốt và giành được nhiều giải thưởng ý nghĩa. Việc lạm dụng các cảnh nóng để câu khách thậm chí sẽ là con dao hai lưỡi với nhiều nhà làm phim khiến cho bộ phim bị thất thu và danh tiếng bị ảnh hưởng.
Là một bộ phận cấu thành nên công nghiệp văn hóa của quốc gia, điện ảnh được nhìn nhận như là một trong những yếu tố góp phần củng cố, gìn giữ và đắp bồi nên nền văn hóa của dân tộc.
Với đặc thù riêng thể hiện qua ngôn ngữ, hình ảnh, âm thanh sống động, điện ảnh đã và đang phát huy tốt vai trò là cầu nối để kết nối, lan tỏa văn hóa theo nhiều cách thức đa dạng, hiệu quả.
Song chính vì vậy những giá trị văn hóa thể hiện thông qua ngôn ngữ điện ảnh cũng cần đòi hỏi sự chắt lọc tinh tế, thực sự là kết tinh của những giá trị tốt đẹp và tích cực. Qua đó từng bước nâng cao nhận thức và định hướng thẩm mỹ văn hóa cho cộng đồng.
Thực tế một trong những tác dụng của điện ảnh là phục vụ nhu cầu giải trí lành mạnh của cộng đồng, song cũng không thể vì thế mà chúng ta chấp nhận việc nhân danh mục đích này để biện hộ cho việc cho ra mắt những sản phẩm “thứ cấp”, kém chất lượng, dung tục, phản văn hóa.
Đơn cử như việc sử dụng các cảnh nóng trong phim cũng cần phục vụ cho ý đồ nghệ thuật, và phải được thể hiện một cách tinh tế, giàu cảm xúc, chứ không thể coi đó là chiêu trò để câu khách, vô hình trung hạ thấp vai trò cũng như năng lực thẩm mỹ của khán giả, cổ xúy lối sống đồi trụy.
Mới đây, một khảo sát được thực hiện bởi nhóm nghiên cứu đến từ Đại học California tại Los Angeles tiến hành đối với 1.500 thanh thiếu niên Mỹ ở độ tuổi từ 10-24 cho thấy 47,5% số người tham gia khảo sát rất ngại xem cảnh nóng.
Không chỉ dừng lại ở đó, những người này còn bày tỏ quan điểm cho rằng họ thường thấy cảnh nóng trong phim là không cần thiết. 51,5% số người tham gia khảo sát mong muốn được xem những bộ phim khắc họa tình yêu trong sáng, đề cao các giá trị tinh thần và không khai thác cảnh nóng.
Tương đồng với kết quả khảo sát nêu trên, nhiều nghiên cứu, khảo sát tương tự được công bố gần đây cũng đã chỉ ra rằng khán giả trẻ đương đại không mặn mà với cảnh nóng. Trên trang điện tử The Hollywood Reporter thậm chí còn có bài viết rằng: “Làm ơn đừng có cảnh nóng trong phim điện ảnh hay truyền hình, chúng tôi là Gen Z”.
Các nhà làm phim cũng rất cần quan tâm đến điều này từ đó cân nhắc, lựa chọn cách thể hiện nội dung phim sao cho vừa có giá trị nghệ thuật, vừa đáp ứng nhu cầu, thị hiếu khán giả thay vì mải mê chạy theo các tác phẩm quá chú trọng các vấn đề tình dục, quá đề cao yếu tố giải trí, mua vui thuần túy và thậm chí có thể quá đà đến mức phạm luật.
Bởi theo quy định của Luật Điện ảnh, một trong những nội dung và hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh đó là: “Thể hiện chi tiết hình ảnh, âm thanh, lời thoại dâm ô, trụy lạc, loạn luân”.
Về phía khán giả, cũng cần phát huy hơn nữa quyền của mình trong việc lựa chọn những tác phẩm điện ảnh có giá trị nhân văn, nội dung hấp dẫn, lành mạnh để thưởng thức. Cần có cơ chế tự đề kháng, thậm chí sẵn sàng tẩy chay những tác phẩm điện ảnh có nội dung phản cảm, cổ xúy lối sống trụy lạc, vi phạm đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.
Từ đây sẽ góp phần hình thành cơ chế sàng lọc, loại bỏ những bộ phim không có giá trị về nội dung và nghệ thuật khỏi đời sống, từng bước xây dựng nền điện ảnh Việt Nam theo hướng hiện đại, đậm bản sắc dân tộc, vững vàng hội nhập và đáp ứng tốt nhu cầu về đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân./.