Chưa phân loại

Sở Y tế TPHCM: Livestream bán thuốc qua mạng là hành vi phạm luật

Bán thuốc bằng hình thức livestream qua mạng xã hội là hành vi vi phạm pháp luật, Sở Y tế TPHCM sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra và xử lý cá trường hợp vi phạm.

Chiều 11/1, tại buổi họp báo cung cấp thông tin tình hình kinh tế – xã hội trên địa bàn TPHCM, ông Nguyễn Hải Nam, Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế TPHCM đã thông tin về vấn nạn bán thuốc qua mạng xã hội, livestream (phát trực tiếp) qua mạng xã hội.

Sở Y tế TPHCM đã tham gia trong quá trình lấy ý kiến bổ sung hình thức kinh doanhtheo phương thức thương mại điện tử trong lĩnh vực dược và góp ý sửa đổi Luật Dược. Theo đó, việc bổ sung quy định đối với phương thức thương mại điện tử là hết sức cần thiết, phù hợp với tình hình thực tế và xu hướng phát triển hiện nay.

Hoạt động kinh doanh dược theo phương thức thương mại điện tử phải được quản lý chặt chẽ với những quy định rõ ràng, cụ thể về loại hình, phạm vi kinh doanh, điều kiện cơ sở vật chất của cơ sở kinh doanh.

Hành vi bán thuốc qua mạng xã hội, livestream là hành vi vi phạm pháp luật

Theo ông Nam, hình thức kinh doanh dược phẩm trực tuyến chưa được pháp luật công nhận. Vậy nên, việc bán thuốc qua mạng xã hội, livestream là hành vi vi phạm pháp luật.

Theo quy định, việc kinh doanh dược là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Những quy định đặt ra nhằm đảm bảo chất lượng thuốc, khả năng trích xuất nguồn gốc sản phẩm nhanh chóng, kịp thời và minh bạch trong quản lý.

Vậy nên, các cơ sở kinh doanh dược phải được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược và phải thực hiện đúng phạm vi kinh doanh được quy định trong giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược.

“Trước tình hình bán hàng livestream còn diễn ra rầm rộ, để đảm bảo an toàn, không để tình trạng buôn bán thuốc, dược phẩm trái quy định pháp luật, Sở Y tế TPHCM sẽ tăng cường, thường xuyên theo dõi việc quảng cáo, kinh doanh thuốc trên các kênh thông tin điện tử”, ông Nam cho hay.

Người dân khi phát hiện đơn vị, cơ sở nào kinh doanh thuốc qua mạng, thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc không có số đăng ký hoặc quảng cáo gây nhầm lẫn giữa thuốc và thực phẩm bảo vệ sức khỏe có thể báo lên ứng dụng y tế trực tuyến hoặc đường dây nóng của Sở Y tế.

Ông Nguyễn Hải Nam khẳng định: “Thời gian tới, Sở Y tế sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm (nếu có) ngay sau khi nhận được phản ánh”.