Hàng “dupe” (viết tắt của “duplicate”) dùng để chỉ những sản phẩm mô phỏng thiết kế, kiểu dáng hoặc tính năng của hàng xa xỉ nhưng có giá thành dễ chịu hơn rất nhiều. Xu hướng này được Gen Z tại Mỹ khởi xướng và nhanh chóng lan rộng sang Hàn Quốc.
Thay vì bỏ ra hàng triệu Won để sở hữu hàng hiệu, nhiều người tiêu dùng trẻ đã tìm đến các sản phẩm tương tự với mức giá chỉ bằng 1/10 hoặc thậm chí thấp hơn. Điều này đặc biệt phổ biến trong ngành thời trang, mỹ phẩm và đồ gia dụng.

Chẳng hạn, một chiếc áo Lululemon, thương hiệu được ví như “Chanel của trang phục thể thao”, có giá 140.000 – 180.000 Won (105-135 USD). Tuy nhiên, một sản phẩm tương tự của nhà bán lẻ Mỹ chỉ có giá 30.000 Won (hơn 20 USD), thu hút nhiều khách hàng hơn.
Không giống như hàng giả, hàng “dupe” không sao chép logo thương hiệu mà chỉ tập trung vào mô phỏng thiết kế tổng thể. Vì vậy, nó không bị xem là vi phạm bản quyền trực tiếp, dù vẫn gây tranh cãi về đạo đức kinh doanh.
Trước đây, việc sử dụng hàng “dupe” có thể bị xem là kém sang hoặc thiếu tôn trọng giá trị thương hiệu. Tuy nhiên, quan điểm này đang dần thay đổi.
Nhiều người trẻ, như Park Soo-yeon (23 tuổi, Hàn Quốc), cảm thấy thoải mái khi lựa chọn hàng dupe. Cô vừa mua một đôi bốt giống hệt mẫu mà Winter (Aespa) từng mang với giá 10.000 Won (gần 7 USD), trong khi phiên bản gốc của The Attico (Italy) có giá hơn 1,3 triệu Won (hơn 900 USD). “Vì không có logo, tôi không cảm thấy mình đang sử dụng hàng giả,” cô chia sẻ.

Bên cạnh đó, nhiều thương hiệu lớn cũng không còn e ngại việc tung ra phiên bản giá rẻ lấy cảm hứng từ hàng cao cấp. Cuối năm 2023, Walmart ra mắt túi Wirkin, mô phỏng kiểu dáng túi Birkin của Hermes. Mặc dù giá Birkin lên đến hơn 10 triệu Won (6.900 USD), phiên bản Wirkin của Walmart chỉ có 100.000 Won (hơn 69 USD) nhưng vẫn mang lại cảm giác sang trọng.

Thách thức đối với các thương hiệu xa xỉ
Dù hàng “dupe” ngày càng phổ biến, tính hợp pháp của việc mô phỏng thiết kế vẫn là vấn đề gây tranh cãi.
Năm 2020, một thương hiệu thời trang Hàn Quốc đã bị kiện vì thiết kế túi giống với Birkin và Kelly của Hermes, dù khác nhau về họa tiết. Tòa án Hàn Quốc phán quyết rằng công ty này đã vi phạm luật cạnh tranh không lành mạnh.
Theo Giáo sư Lee Jae-kyung (Đại học Konkuk), việc sao chép thiết kế có thể bị xem là hưởng lợi từ tài sản trí tuệ của người khác, nhưng các thương hiệu xa xỉ thường không muốn kiện tụng vì sợ làm xấu hình ảnh trong mắt khách hàng trẻ.
Dù mang lại nhiều lợi ích về kinh tế, xu hướng này vẫn gây tranh cãi về đạo đức tiêu dùng. Trong tương lai, liệu hàng “dupe” có trở thành một phần của ngành công nghiệp thời trang, hay sẽ bị siết chặt bởi các quy định bản quyền? Điều này vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải.