Văn Hoá Đa Sắc

Tết Thanh minh cần chuẩn bị những gì?

MCS- Tết Thanh Minh không chỉ là dịp để con cháu bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên mà còn mang ý nghĩa sâu sắc về đạo lý "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc. Vào ngày này, nhiều gia đình chuẩn bị mâm cúng tại nhà hoặc ngoài mộ để thể hiện sự hiếu kính. Hãy cùng tìm hiểu cách chuẩn bị lễ cúng sao cho trang nghiêm, đúng phong tục truyền thống.

Tết Thanh Minh có nguồn gốc từ Trung Quốc và dần trở thành một trong những ngày lễ quan trọng trong văn hóa Việt Nam. Đây là dịp con cháu tưởng nhớ công lao sinh thành, dưỡng dục của tổ tiên, đồng thời là cơ hội để các thành viên trong gia đình sum họp, gắn kết tình cảm.

Năm 2025, Tết Thanh Minh rơi vào ngày 4/4 dương lịch (7/3 âm lịch). Theo quan niệm dân gian, lễ cúng trong ngày này giúp cầu bình an, may mắn cho cả gia đình, đồng thời là dịp để tảo mộ, dọn dẹp nơi an nghỉ của tổ tiên.

Tết Thanh minh là một trong những dịp lễ quan trọng của người Việt
Tết Thanh minh là một trong những dịp lễ quan trọng của người Việt.

Mâm cúng Tết Thanh Minh tại nhà: Cách chuẩn bị và nghi thức thực hiện

Tùy theo điều kiện và phong tục từng gia đình, mâm cúng có thể là cỗ chay hoặc cỗ mặn. Dưới đây là một số món thường được sử dụng:

Mâm cúng mặn: Gà luộc, xôi gấc, giò chả, canh măng, các món xào…

Mâm cúng chay: Xôi chè, bánh trái, hoa quả tươi, trà, nước lọc…

Lễ vật khác: Hương, đèn nến, trầu cau, tiền vàng, rượu, hoa tươi…

Trước khi cúng, gia chủ nên dọn dẹp bàn thờ sạch sẽ, thay nước mới và bày biện lễ vật một cách trang nghiêm. Khi thực hiện nghi lễ, người cúng cần ăn mặc chỉnh tề, thắp hương và đọc văn khấn để thể hiện lòng thành kính.

Sau khi hương cháy hết, gia chủ tiến hành hóa vàng và xin lộc về nhà, kết thúc nghi thức cúng Thanh Minh tại gia.

Mâm cúng ngoài mộ: Chuẩn bị những gì để tròn đạo hiếu?

Lễ cúng ngoài mộ thường đơn giản hơn nhưng vẫn đảm bảo đầy đủ các yếu tố cần thiết:

Lễ vật cơ bản: Hương, nước sạch, hoa tươi, trái cây, trầu cau, rượu, đèn nến…

Mâm cỗ chay: Xôi chè, bánh oản, bỏng gạo, mật ong, bơ…

Mâm cỗ mặn: Gà luộc, giò chả, chân giò, thịt lợn, rượu trắng…

Mâm cúng Tết Thanh minh.
Mâm cúng Tết Thanh minh.

Khi đến nghĩa trang, gia đình sẽ dọn dẹp phần mộ tổ tiên, thay hoa mới và sắp xếp lễ vật lên bàn thờ chung. Sau đó, mọi người cùng thắp hương, đọc văn khấn và cầu nguyện cho vong linh người đã khuất.

Bên cạnh đó, gia chủ cũng có thể thắp hương cho những ngôi mộ xung quanh như một cách chia sẻ sự thành kính với những người không có người thân viếng thăm.

Sau khi hương cháy được 2/3, gia đình tiến hành lễ tạ, hóa vàng và xin lộc về nhà, hoàn thành nghi thức cúng Tết Thanh Minh.