Theo chuyên trang Time and Date, vào lúc 7 giờ 22 phút sáng ngày 13-4, “trăng hồng” tháng tư sẽ đạt cực đại, tròn hoàn hảo về hình dáng. Tuy nhiên, khác với tưởng tượng về một vầng trăng tròn to và rực rỡ, Mặt Trăng lần này lại có phần khiêm tốn.
Nguyên nhân đến từ vị trí của nó trên quỹ đạo. Trăng hồng tháng tư năm 2025 là một “micromoon”, vì rơi đúng vào điểm viễn địa, tức vị trí xa nhất của Mặt Trăng so với Trái Đất khoảng 406.000 km. Do đó, nếu so sánh với những siêu trăng gần Trái Đất hơn, nó trông nhỏ hơn đến 6% và có phần mờ ảo hơn.

Tên gọi “trăng hồng” không đến từ màu sắc thực tế của Mặt Trăng. Thay vào đó, nó xuất phát từ một loài hoa dại có màu hồng phấn – phlox, thường nở vào tháng tư ở miền Đông nước Mỹ. Tuy nhiên, vẫn có cách để thấy trăng mang sắc hồng.
Vào thời điểm vừa mọc từ đường chân trời, ngay sau hoàng hôn, bạn sẽ thấy Mặt Trăng có sắc cam hồng dịu nhẹ. Đó là do ánh sáng Mặt Trăng bị bẻ cong và tán sắc qua lớp khí quyển dày, tạo nên một lớp màu như “phủ sương”. Dân gian từng gọi đó là hiện tượng “trăng son”, còn giới thiên văn hiện đại đặt tên là ảo ảnh Mặt Trăng.

Không chỉ có Mặt Trăng, đêm 13-4 còn là thời điểm thuận lợi để quan sát Spica ngôi sao sáng nhất trong chòm sao Xử Nữ. Theo Wikipedia, Spica là một hệ sao đôi gồm hai sao khổng lồ xanh quay quanh nhau. Dưới mắt thường, hai ngôi sao này trông như nhập lại thành một, ánh lên màu xanh lam rực rỡ thứ màu sắc đặc trưng của những ngôi sao có nhiệt độ cực cao.
Spica nằm gần đường hoàng đạo, và vì thế, vào đêm trăng tròn tháng tư, nó xuất hiện không xa Mặt Trăng trên bầu trời. Trong bối cảnh trăng hồng mờ ảo hơn thường lệ, Spica lại càng dễ được nhận diện một điểm sáng mang sắc lạnh, nổi bật giữa màn đêm dịu nhẹ.