SPECIAL

Tranh cãi màn nhảy TikTok của hai nữ sinh trong lễ bế giảng

MCS- Đoạn clip hai nữ sinh Nghệ An nhảy TikTok lắc hông trong lễ bế giảng đã thu hút gần 8 triệu lượt xem, đồng thời tạo ra nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh việc phù hợp và giới hạn thể hiện cá tính trong môi trường giáo dục.

Lễ bế giảng dấu mốc thiêng liêng đánh dấu hồi kết của hành trình 12 năm đèn sách vốn luôn được gắn với hình ảnh xúc động, trang nghiêm và đầy kỷ niệm. Thế nhưng, khi những biểu hiện cá tính của thế hệ Gen Z ngày càng hiện diện rõ rệt, không phải khoảnh khắc nào tại lễ bế giảng cũng nhận được sự đồng thuận tuyệt đối từ cộng đồng.

Gần đây, một đoạn clip lan truyền trên mạng xã hội đã khiến cộng đồng mạng dậy sóng. Trong video, hai nữ sinh tại Nghệ An mặc áo thun ôm sát, quần jeans sáng màu, cùng nhau thực hiện loạt động tác vũ đạo trên nền nhạc TikTok với phong cách trẻ trung, năng động. Những chuyển động lắc hông, uốn eo, hòa theo giai điệu đang thịnh hành trên nền tảng mạng xã hội được ghi lại trong lễ bế giảng của trường.

clip ghi lại cảnh hai nữ sinh tại Nghệ An nhảy TikTok với những động tác lắc hông, uốn eo sôi động trong lễ bế giảng đã nhanh chóng thu hút gần 8 triệu lượt xem trên các nền tảng mạng xã hội.
Clip ghi lại cảnh hai nữ sinh tại Nghệ An nhảy TikTok nhanh chóng thu hút gần 8 triệu lượt xem trên các nền tảng mạng xã hội.

Chỉ trong thời gian ngắn, clip thu hút gần 8 triệu lượt xem và hàng nghìn bình luận. Nhưng thay vì một cơn mưa lời khen, mạng xã hội nhanh chóng bị chia đôi bởi hai luồng quan điểm đối lập: một bên lên tiếng chỉ trích, bên kia lại nhiệt tình ủng hộ.

Khi lễ bế giảng trở thành “sân khấu bất ngờ”

Theo một bộ phận cư dân mạng, việc mang các động tác vũ đạo TikTok, đặc biệt là các chuyển động nhún nhảy, lắc hông vào buổi lễ có tính nghi thức như lễ bế giảng là hành vi không phù hợp. Những ý kiến này cho rằng, đây là thời khắc cần được tôn vinh bằng sự trang trọng, khi có sự hiện diện của giáo viên, phụ huynh và cả đại biểu.

“Lễ bế giảng không phải nơi biểu diễn tự do.”
“Trang phục bó sát và động tác vũ đạo như vậy dễ gây hiểu lầm.”
“Nên chọn cách thể hiện nhẹ nhàng, ý nghĩa hơn.”

Sự lo ngại không phải đến từ việc phản đối vũ đạo hay âm nhạc, mà là nỗi sợ sự “lệch tông” khiến không khí thiêng liêng của buổi lễ bị mất đi phần nào tính chất thiêng liêng vốn có.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, không ít người lại cho rằng việc hai nữ sinh thể hiện năng lượng tuổi trẻ là điều đáng hoan nghênh, miễn là không vượt qua ranh giới phản cảm hay tục tĩu. Theo họ, đó đơn giản chỉ là cách để các bạn học sinh lưu giữ kỷ niệm theo cách riêng, không nhất thiết phải rập khuôn theo những nghi thức truyền thống.

Từ góc nhìn này, những chuyển động của hai nữ sinh không hề lệch chuẩn mà chỉ là biểu hiện của cá tính thứ mà Gen Z luôn đề cao. Sự khác biệt trong cách tiếp cận giá trị giữa các thế hệ chính là nguyên nhân sâu xa dẫn đến tranh cãi hiện tại.

Giới hạn nào là đúng mực trong môi trường học đường?

Không thể phủ nhận rằng văn hóa học đường hiện nay đang chịu ảnh hưởng sâu sắc từ TikTok, YouTube và các nền tảng mạng xã hội khác. Khi ranh giới giữa “sáng tạo” và “phản cảm” ngày càng trở nên mong manh, điều quan trọng không chỉ là hành vi của học sinh mà còn là cách cộng đồng đặc biệt là người lớn lựa chọn cách đối thoại.

Bởi lẽ, nếu chỉ chăm chăm áp đặt tiêu chuẩn cũ lên một thế hệ lớn lên cùng Internet, liệu có đang vô tình chối bỏ ngôn ngữ cảm xúc và cá tính riêng của họ? Ngược lại, nếu quá dễ dãi với mọi biểu hiện “sống thật với bản thân”, môi trường học đường liệu có giữ được những giá trị chung cần thiết?

Nhiều người đề xuất một giải pháp dung hòa: Nhà trường và giáo viên có thể hướng dẫn học sinh cách thể hiện sự năng động trong khuôn khổ, đồng thời tạo điều kiện cho các em được bộc lộ cá tính một cách tinh tế, đúng lúc và đúng chỗ. Bởi mỗi thế hệ đều cần một khoảng không để thể hiện, nhưng cũng cần một giới hạn để trưởng thành.